[Review Book] Bàn có năm chỗ ngồi

[Review Book] Bàn có năm chỗ ngồi

[Book Review] 10 Đại thừa tướng Trung Quốc
[Book Review] “Chiến thắng con quỷ trong bạn”- Bạn đã làm được?
[Book review] Con nghĩ đi, mẹ không biết!

 

Lời nói đầu

Tháng năm cắp sách đến trường là một cái gì đó không thể nào quên trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta. Dường như đó là một định mệnh đã được sắp đặt để chúng ta có thể gặp gỡ những đứa trẻ cùng trang lứa, với tính cách ngoại hình không đứa nào có thể lẫn với đứa nào được. Xuân đi đông đến, hạ về thu qua, thời gian cứ thấm thoát thoi đưa làm tôi cứ ngỡ ngàng rằng sao mà thời đi học lại trôi qua nhanh thế, bạn bè rồi sẽ có lúc phải chia tay nhưng những kỉ niệm sẽ vẫn được nâng niu, để dành một góc trong để hoài niệm trong kí ức này. Cho đến khi tình cờ biết đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm “Bàn có năm chỗ ngồi”, những kỉ niệm đó trong tôi lại một lần nữa được sống dậy tuổi học trò.

Bàn có năm chỗ ngồi

Bắt đầu một năm học mới sau một kì nghỉ hè dài, dường như mọi đứa trẻ đều cảm thấy chán nản, tâm lí chung chắc chắn là không muốn đi học một chút nào cả, ước gì nghỉ hè vẫn có thể được kéo dài ra thêm mấy tháng nữa. Thế nhưng đến trường là một điều hiển nhiên không thể trốn tránh được, và tác giả đã viết tác phẩm này dưới cái nhìn của Phan Thanh Huy – Nhân vật với tư cách là người kể chuyện đã dẫn dắt độc giả đến làm quen để hiểu và cảm thông, quý mến những tính cách khác nhau của đám học sinh lớp 8A2 trường PTCS Bình Minh đầy tinh nghịch.

Bàn có năm chỗ ngồi là một tác phẩm xoay quanh tình bạn tuổi học trò giữa 5 người bạn cũng là 5 nhân vật chính trong truyện. Đó là Huy, Bảy, Hiền, Quang, Đại. 5 người bạn này mỗi người một tính cách, mỗi người một hoàn cảnh nhưng giữa họ là sợi dây tình bạn đầy gắn kết, yêu thương.

Lúc ban đầu, Huy, Bảy, Hiền, Quang, Đại hầu như chưa có bất kỳ mối liên hệ thân thiết nào khi năm học mới bắt đầu. Trừ Huy với Bảy thân nhau từ trước, những người bạn còn lại đều là được chuyển đến lớp 8A2 này. Họ được thầy giáo sắp xếp ngồi chung một bàn và từ đây những câu chuyện thú vị, những xích mích lớn nhỏ cứ ngày ngày diễn ra. Trải qua những cũng bậc cảm xúc như vậy, tình bạn giữa những cô cậu học trò này cũng đã bắt đầu được nhen nhóm.

Những trò tinh nghịch và hiếu động của bọn trẻ con đôi khi gây ra những mâu thuẫn xích mích khó giải quyết, nhưng trên tất cả chúng đều là những đứa trẻ ham học hỏi, thích tìm tòi khám phá và giàu lòng nhân ái biết quan tâm đến mọi người. Tiếp xúc dần với nhau, chúng càng nhận ra được bạn bè xung quanh khác với mình, học được cách cảm thông với các hoàn cảnh khó khăn. Hơn thế nữa, Với sự cá tính của từng người, cả nhóm đã nghĩ ra cách giúp đỡ bạn theo khả năng độc nhất của mỗi đứa để tình bạn ấy lớn dần theo năm tháng. Bàn có năm chỗ ngồi của Nguyễn Nhật Ánh luôn mang lại cảm giác dễ chịu và bình yên cho độc giả đang ở lứa tuổi ô mai. Những câu chuyện học đường, tình yêu tuổi học trò nhẹ như tìm lại một vài mảng ký ức, một vài kỉ niệm, đôi chút vô tư hồn nhiên của những ngày cắp sách đến trường. Đặc biệt, tính cách của các nhân vật trong tác phẩm được Nguyễn Nhật Ánh miêu tả rất tinh tế và chân thực. Ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là nhân vật Huy, được miêu tả là một cậu bé ham chơi, nghịch ngợm, rất lười biếng nhưng lại hay lí sự cùn. Đối với cậu, môn Toán lại là môn học “khoai nhất”, không thể nào mà nhớ nổi những công thức giải phương trình. Nhưng văn học là một cái gì đó đã đi vào lòng cậu, có thể ngồi hàng giờ đọc những cuốn tiểu thuyết và sáng tác thơ lại có thiên phú hơn người. Chả thế mà không ai ngoài Huy lại là học sinh giỏi Văn xuất sắc nhất lớp. Năm dài tháng rộng cứ thế trôi qua, với sự nhiệt tình giúp đỡ của chúng bạn cùng bàn, Huy đã dần nhận ra những khuyết điểm trời ơi đất hỡi của mình và đã sửa đổi để trở thành một học sinh tốt hơn, “người lớn” hơn, có trách nhiệm hơn. Điều quan trọng cậu đã cảm nhận được giá trị của tình bạn để từ đó cậu yêu quý tất cả những người bạn của mình, kể cả những người cậu đã từng cho rằng “nó thù mình”, “mỗi lần nó nói là lại như nó đang đá đểu mình” và cậu tha thiết được đến trường, được đi học. Giá trị nhìn nhận lại mọi thứ xung quanh lại chính là điểm sáng chủ yếu của tác phẩm.

Tuổi ô mai lại không thể thiếu được những tình cảm học trò ríu ra ríu rít với nhau. Những cảm xúc rất đỗi hồn nhiên và trong sáng của Huy dành cho “nhỏ Hiền”- cô bé duy nhất trong tổ được tác giả miêu tả thật sự là ngây thơ thuần khiết: Thích những không dám nói, cứ âm thầm bên cạnh nở nụ cười vui sướng.

Bàn có năm chỗ ngồi với cốt truyện đơn giản nhưng sự tài tình trong việc xây dựng tình huống và tạo nên những cá thể, cá tính khác nhau đã làm nên thành công của tác giả, tác phẩm. Chỉ qua 12 chương truyện ngắn trong cuốn sách Bàn có năm chỗ ngồi , tác giả đã vẽ lên cả một thế giới về miền ký ức thật vô cùng đẹp đẽ của tuổi học trò. Tôi yêu cuốn sách trên vì tôi đã nhìn thấy chính bản thân mình và những người bạn của tôi ở trong tác phẩm. Cám ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã một lần nữa làm sống lại những hoài ức kỉ niệm trong tôi, cám ơn 5 người bạn nhỏ đã cho tôi thấy được tuổi học trò thật đẹp và nhớ nhung biết bao.


Tháng năm tuổi trẻ là tiếng ai đang thở dài

 

 

 

 

COMMENTS