[Book review] Búp sen xanh – Sơn Tùng – Một cuốn sách vàng

[Book review] Búp sen xanh – Sơn Tùng – Một cuốn sách vàng

[Book Review] Động lực chèo lái hành vi
[Review Book] Mắt Biếc
[Book Review] Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

Liệu tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không?

Một cuốn tiểu thuyết viết về một nhân vật lịch sử nhưng lại không chỉ đơn thuần là lịch sử.

Một cuốn tiểu thuyết viết cho lứa tuổi thiếu nhi nhưng lại có thể làm rung động người đọc ở bất kì độ tuổi nào.

Tôi đang muốn nói tới cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng viết về quãng thời niên thiếu của Bác Hồ từ khi sinh ra tại làng Sen bên ngoại đến lúc lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.

Hễ nhắc đến chủ tịch Hồ Chí Minh thì trong mỗi người dân Việt Nam ta đều hiện ra trong đầu hình ảnh một vị cha già dân tộc giản dị mà đáng kính. Nhưng Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng lại đem đến cho chúng ta những góc nhìn khác, những hình ảnh khác của vị lãnh tụ vĩ đại, gần gũi hơn, thân thương hơn mà cũng thần kỳ hơn.

Đó là một cậu bé Côn sáng dạ, thông minh nhưng cũng rất nghịch ngợm khi còn ở làng Sen bên ngoại. Cậu bé dẫn đầu đám trẻ trong làng đi phá tổ chim, trêu chó… để rồi bà hàng xóm sang tận nhà nặng lời xúc phạm khiến cậu bị cha phạt nặng. Nhưng rồi cũng chính cậu bé ấy vào một năm làng mất mùa đã lén xúc gạo nhà mình mang cho bà hàng xóm khi thấy bà đang phải ăn thân chuối cầm hơi.

Đó là một cậu bé Côn tuổi lên 10 một mình chăm sóc người mẹ bệnh nặng và em trai út mới sinh những ngày ở kinh thành Huế. Thế rồi mẹ cậu không qua khỏi, cậu phải bế em đi xin sữa của những người có con nhỏ trong làng. Đêm giao thừa năm ấy, trong khi xung quanh người người nhà nhà quây quần ấm úng thì cậu bé ấy đã cô đơn, sơ hãi đón giao thừa trong căn nhà lạnh lẽo, không còn hơi ấm của mẹ và trên tay cậu, tiếng khóc của người em trai đang đuối dần rồi tắt hẳn.

Đó là một thầy giáo trẻ nhiệt huyết dạy chữ ở trường tiểu học Dục Thanh, Phan Thiết – một vùng đất biển cực Nam Trung Bộ đầy nắng gió. Người thầy giáo ấy luôn là người đầu tiên quan tâm, lo lắng khi học trò của mình gặp chuyện, luôn là người đầu tiên buồn lòng khi học trò của mình phạm lỗi. Cái mà thầy Thành truyền đến học trò của mình không chỉ là những con chữ mà còn cả tình yêu nước, những bài học làm người, những câu truyện dân gian từ xa xưa mà thầy nghe được khi còn ở tuổi thiếu niên.

Đó là một chàng thư sinh nho nhã từ bé đến lớn chỉ quen sách đèn nhưng lại quyết tâm từ bỏ nghề dạy học để chấp nhận làm phu khuân vác tại bến Nhà Rồng đến anh phụ bếp trên tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-re-vin. Nếu ở lại, anh vẫn sẽ là một cậu ấm con quan có thể hưởng một cuộc sống an nhàn, vương giả nhưng tiếng gọi của tổ quốc đã thôi thúc anh ra đi, rời xa gia đình, rời xa quê hương, bỏ lại cả mối tình ngắn ngủi với Út Huệ – người con gái Sài Gòn vẫn hay thẹn thùng nhờ anh dạy chữ để đến với những phương trời xa lạ, đến với những nền văn minh mới, tìm ra con đường giải cứu dân tộc.

Cuốn tiểu thuyết là minh chứng cho một điều “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời”. Nếu như không có một người cha nghiêm khắc, yêu nước, nếu như không có một người mẹ dịu dàng, hiền hậu, nếu như không có anh Khiêm, chị Thanh luôn ở bên đùm bọc chở che hay đơn giản nếu như thiếu đi những câu hát đờn của ông già Xẩm “Nước Nam ta sao lại có Tây…” thì có lẽ đất nước Việt Nam của chúng ta đã không thể nuôi dưỡng được một nhân cách cao quý, vĩ đại như thế.

Vẫn nhớ mùa hè năm đó, khi nhận cuốn sách từ mẹ, ấn tượng ban đầu của tôi đó là sách thật nhẹ, giấy cũng thật thơm. Không ngờ sau đó cuốn sách lại mang đến cho tôi nhiều cảm xúc đến thế. Tại sao lại yêu Bác? với tôi, có lẽ đơn giản chỉ vì “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” .

COMMENTS