Giao tiếp và các rào cản tâm lý trong giao tiếp

Giao tiếp và các rào cản tâm lý trong giao tiếp

“Hôm nào rảnh cafe nhé” và câu chuyện đặt mục tiêu
[Book Review] Động lực chèo lái hành vi
Viết mail như 1 người chuyên nghiệp

Con người chúng ta dùng phần lớn thời gian để giao tiếp với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Trong công việc, kỹ năng giao tiếp (communication skill) luôn được coi là một trong những kỹ năng quan trọng của người lao động, và cũng là một trong các tiêu chí đánh giá khi tuyển dụng. Lý do là ít có ai làm việc một mình, các dự án lớn sẽ đòi hỏi nhiều người tham gia và khi đó việc truyền tải thông tin là rất quan trọng. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi: giao tiếp là gì, bản chất của nó ra sao? Tại sao chúng ta biết rằng kỹ năng giao tiếp rất quan trọng, nhưng vẫn có những yếu tố làm chúng ta thực hiện việc giao tiếp không thuận lợi. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu về các rào cản tâm lý trong giao tiếp, cách nhận biết và khắc phục.

1. Giao tiếp là gì?
Theo Wikipedia thì giao tiếp được định nghĩa như sau:
“Giao tiếp là một quá trình hoạt động trao đổi thông tin giữa người nói và người nghe nhằm đạt được một mục đích nào đó. Thông thường, giao tiếp trải qua ba trạng thái:

    • Trao đổi thông tin, tiếp xúc tâm lý;
    • Hiểu biết lẫn nhau;
    • Tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.”

Trong quyển sách “Diffusion of Innovations” mà tôi đang đọc, thì tôi rất thích cách tác giả định nghĩa về giao tiếp.
“Communication is a process in which participants create and share information with one another in order to reach a mutual understanding”
Theo định nghĩa này thì communication (giao tiếp) không phải một hành động đơn phát, mà là quá trình hai chiều, đòi hỏi tương tác giữa những người tham gia và mục đích là đạt tới một hiểu biết chung (“a mutual understanding”).

Nói một cách tóm tắt thì giao tiếp là việc:

  • Truyền tải thông tin một cách chính xác tới đối phương
  • Thông tin được truyền tải một cách chính xác tới đối phương
  • Đối phương tiếp nhận chính xác thông tin cần truyền tải

Như theo định nghĩa ở trên, năng lực ngôn ngữ tốt sẽ giúp cho việc giao tiếp được thuận lợi, nhưng bạn có nghĩ rằng năng lực ngôn ngữ là yếu tố quan trọng nhất trong giao tiếp? Theo nghiên cứu của Mehrabian thì có 3 yếu tố cơ bản trong giao tiếp trực diện (face to face communication):

  • Từ ngữ (7%)
  • Tone giọng nói (38%)
  • Các cử chỉ hành vi phi ngôn ngữ (55%)

Như vậy thì việc giao tiếp phi từ ngữ chiếm tới 93% trong hiệu quả giao tiếp. Điều này giải thích tại sao có nhiều bạn năng lực tiếng Nhật N2 nhưng chưa hẳn đã giao tiếp tốt bằng các bạn năng lực N3. Do chủ đề về giao tiếp là một chủ đề rộng, nên bài viết này tôi sẽ đề cập tới một trong những yếu tố ảnh hưởng tới năng lực giao tiếp là các rào cản tâm lý.

2. Các rào cản tâm lý trong giao tiếp

  1. Cảm giác xấu hổ: ví dụ bị đỏ mặt hay nói lắp khi đứng trước đám đông
  2. Cảm giác sợ hãi: ví dụ có những người đứng nói trước đám đông thì chân tay run lẩy bẩy, mồ hôi ra đầm đìa
  3. Cảm giác không an toàn, thiếu tin tưởng: ví dụ tâm lý đề phòng khi giao tiếp với đối phương
  4. Tâm lý tự tôn: tự nghĩ mình giỏi, vĩ đại
  5. Không quan tâm, hứng thú: khi đối phương nói về một chủ đề mình không quan tâm
  6. Cảm giác tội lỗi:
  7. Cảm giác ghét (không ưa cái thái độ :v)
  8. Hiểu lầm (nghĩ là như thế nhưng không phải là thế :v)
  9. Định kiến: ví dụ cứ người Trung Quốc là xấu
  10. Do thói quen: thói quen này có thể hình thành trong sinh hoạt gia đình, ví dụ “im lặng là ngoan ngoãn, tốt” nên không giao tiếp
  11. Niềm tin mù quáng: không biết nghi ngờ các thông tin không có cơ sở hoặc tìm kiếm thông tin đa chiều
  12. Kiêu căng, thiếu khiêm tốn
  13. Tham lam: ví dụ có thông tin nhưng share ảnh không chịu share link; giữ thông tin cho riêng mình
  14. Bướng bỉnh, cứng đầu
  15. Thiếu tinh tế (gọi thô thiển là đầu đất): là những người thậm chí còn không nhận ra mình đang gặp phải các rào cản tâm lý trên.

Tham gia các diễn đàn hay Facebook page, đối với người Việt Nam thì chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều người có các rào cản tâm lý phổ biến như: tâm lý tự tôn, định kiến, niềm tin mù quáng; và hầu hết các cuộc tranh luận đôi khi lệch lạc sang đả kích cá nhân thay vì tập trung nội dung tranh luận. Các rào cản tâm lý ở trên càng lớn, thì càng cản trở việc giao tiếp hiệu quả, đôi khi kết quả là không truyền tải được bất cứ nội dung gì.

Vậy phải làm thế nào để nhận ra được các rào cản tâm lý mà bản thân đang có? Có một cách đơn giản hơn là đặt 2 câu hỏi “Why” và “How”.  Ví dụ: “Tại sao lại nói không nên lời?”, “Vì tâm lý sợ hãi à?”, “Tại sao lại sợ hãi?” “Làm thế nào để không còn tâm lý sợ hãi?”… Về cơ bản, hiểu người khác đã khó nhưng tự hiểu mình còn khó hơn, nên để tự hiểu mình tôi nghĩ cần có: một tâm hồn tĩnh lặng, đối mặt được với bản ngã của mình và luôn chào đón sự khác biệt.

3. Làm thế nào giao tiếp cho hiệu quả?

Mục đích cuối cùng của giao tiếp vẫn là truyền tải đúng đắn thông tin được truyền tải, và người nhận nhận được thông tin một cách chính xác. Do vậy:

  • Người nói cần phải có kỹ thuật sắp xếp và truyền tải thông tin sao cho người nghe tiếp nhận một cách dễ dàng
  • Người nhận cũng cần có kỹ năng tiếp nhận đối với bất cứ một thông tin nào.

Tóm tắt lại bằng một keyword thì đó là “active listening” – năng lực đặt câu hỏi (question) và năng lực xác nhận (confirm). Biết cách đặt câu hỏi một cách thông minh, sẽ có được nhiều thông tin hữu ích, hiểu được tiền căn hậu quả và cũng là một cách rèn luyện cho bản thân một đầu óc phân tích, truy cầu chân lý. Bên cạnh đó, xác nhận (confirm) đúng cách sẽ tránh được việc hiểu lầm, hiểu sai, đồng thời cũng giúp người nói có thêm cảm giác tin tưởng là người nghe đã hiểu đúng thông tin truyền tải. Đặc biệt, trong lĩnh vực làm phần mềm thì điều mà khách hàng giải thích đôi khi khác xa với điều mà khách hàng mong muốn, và sản phẩm mà developer làm ra thì khác xa với cả hai điều trên.

4. Kết luận

Phạm vi bài viết hiện tại đề cập các rào cản tâm lý, nhưng xung quanh việc giao tiếp hiệu quả có rất nhiều phương pháp và mô hình mà bản thân tôi cũng chưa có thời gian tìm hiểu. Trước hết, xin phép được liệt kê các keyword ra đây dành cho các bạn đọc quan tâm tự tìm hiểu:

Lại nhớ sách xưa viết “thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” – sách không thể nào nói hết lời, lời không diễn tả được hết ý; nên thiết nghĩ rằng việc suy nghĩ, nghiền ngẫm kỹ lưỡng là cần thiết lắm và đôi khi cần giao tiếp bằng cả tâm hồn

* P/S: Bài viết sử dụng tư liệu chính là nội dung khoá học “Human Skill” do thầy Gondai dạy (tiện thể PR luôn cho thầy). Bạn nào quan tâm có thể contact với thầy nhé.

 

COMMENTS