[Book Review] Nghịch lý của sự lựa chọn – Khi nhiều hơn lại là ít hơn

[Book Review] Nghịch lý của sự lựa chọn – Khi nhiều hơn lại là ít hơn

[Book Review] Tuổi thơ dữ dội
[Review Book] Bàn có năm chỗ ngồi
[Book Review] Tôi là BêTô

Tên sách: Nghịch lý của sự lựa chọn (Paradox of choice)

Tác giả: Barry Schwartz

Thông thường khi càng có nhiều lựa chọn thì người mua hàng càng được hưởng lợi. Lấy ví dụ như ngày xưa, khi chỉ có Vinaphone độc quyền mảng viễn thông, và so sánh với việc sau khi Viettel nhảy vào thì rõ ràng giá thành sản phẩm đã giảm hẳn. So với các ngành độc quyền như Điện / Xăng, dù có tăng giá thì chúng ta cũng chỉ biết cười trừ.

Nhưng ngược lại, bạn đã bao giờ phải đau đầu vì phải chọn lựa giữa vô số gói cước của Viettel chưa? Trả trước, trả sau, Tomato, Economy, 7Colors… rồi lại còn 3G, 4G, MiMax, Mi10. Nó có bao giờ làm bạn đau đầu không? Hoặc hàng ngày, bạn có bao giờ lâm vào cảnh bối rối “không biết mặc gì hôm nay”, chỉ vì tủ quần áo của bạn có quá nhiều đồ chưa?

Nếu có thì bạn đang rơi vào tình huống mà cuốn sách đề cập tới: càng nhiều lựa chọn, thứ tưởng như làm người ta thoải mái hơn, lại càng làm người ta đau đầu kém hạnh phúc hơn.

Càng nhiều lựa chọn, càng làm người ta đau đầu

Những lựa chọn đang ngày một nhiều lên

Trừ những thứ độc quyền theo quy định, còn hầu hết mọi thứ phục vụ cho cuộc sống chúng ta ngày nay đều đang được đa dạng hóa hơn:

  • Thức ăn: so với ngày xưa là cơm rau thịt cá, ngày nay bạn có quyền chọn Ba chỉ bò Mỹ, Bò Kobe Nhật, Nho Canada. Rồi thực phẩm GMO / Organic…
  • Quần áo: bạn có hàng tá thương hiệu để lựa chọn, từ bình dân như H&M, Uniqlo tới sang chảnh như Gucci, Armani. Từ trong nước như PT2000, Blue Exchange tới nước ngoài như Louis Vutton
  • Sữa: Vinamilk / TH True milk / sữa bột / sữa có đường / sữa không đường / sữa hoàn nguyên / sữa tươi…

Và càng làm chúng ta khó lựa chọn hơn

  • Thử đi chọn giày 1 lần với vợ, bạn sẽ hiểu nỗi khổ của việc có quá nhiều lựa chọn. Cửa hàng giày bày ra la liệt các loại giày dép: cao gót có, đế bệt có, dây đan có, đính pha lê có… Vợ bạn thì cứ muốn thử tất cả để tìm đôi giày vừa với cái váy mới tím mua. Mà hình như đôi nào cũng vừa hay sao mà thấy vợ “để riêng” ra tầm 5 đôi. Kết quả là mất cả buổi chiều mới tìm được 1 đôi, mà trông vợ cũng chẳng ưng ý lắm

Mr Đàm chắc cũng không hoàn toàn hạnh phúc với tủ giày của mình

Hệ quả là chúng ta dễ bị tổn thương tâm lý hơn, khó hài lòng hơn

  • Vợ mình sau khi mua giày xong, đi 1 vài hôm thấy nó bị ẩm khó khô, thì lại chép miệng “giá như mua đôi khác”
  • Những con nghiện thẩm mỹ không bao giờ thỏa mãn với nhan sắc của mình: vì có quá nhiều sự lựa chọn để nâng cấp sắc đẹp, nên họ chẳng bao giờ hài lòng mà luôn nghĩ rằng “mình có thể đẹp hơn nữa”. Hệ quả là dù họ có đẹp hơn so với trước khi thẩm mỹ, họ cũng không thể hoàn toàn hạnh phúc với những gì mình đang có
  • Việc có quá nhiều lựa chọn gây ra nhược điểm là mỗi lựa chọn mới lại có những điểm bổ sung vào danh sách những thứ phải đánh đổi và những sự đánh đổi này gây ra những hệ quả về tâm lý. Nó ảnh hưởng tới mức độ hài lòng của quyết định cuối cùng ta đưa ra

Giải pháp cho bạn

  • Hài lòng nhiều hơn, cầu toàn ít đi: học cách chấp nhận kết quả “đủ tốt” sẽ giúp đơn giản hóa việc ra quyết định và làm tăng sự hài lòng
  • Giảm thiểu sự nuối tiếc: sự nuối tiếc làm đa dạng thêm các quyết định và đôi khi gây ảnh hưởng đáng kể, khiến chúng ta không thể đưa ra quyết định nào. Vậy nên ta nên giảm bớt các suy nghĩ “giá như”, cái gì đã qua rồi thì cho qua luôn đi.
  • Khiến các quyết định của bạn trở nên không thể đảo ngược: lấy ví dụ như việc kết hôn. Đúng là về sau trong đời, bạn sẽ luôn gặp những người trẻ tuổi hơn, ưa nhìn hơn, hài hước hơn, biết cảm thông hơn vợ hoặc chồng bạn. Nhưng kết hôn không giống như mua sắm hay đánh đổi. Hiểu được rằng nó là 1 lựa chọn không thể đảo ngược sẽ giúp bạn đầu tư năng lượng vào việc cải thiện mối quan hệ hiện tại, thay vì liên tục đi tìm lựa chọn thứ 2

 

Kết

Sách đề cập tới 1 nghịch lý của cuộc sống hiện đại: chúng ta có quá nhiều lựa chọn, điều tưởng như sẽ giúp chúng ta vui vẻ hơn thì ngược lại lại làm chúng ta mất đi thời gian, sự hài lòng, hạnh phúc khi phải suy xét các lựa chọn đó.

Để mô tả vấn đề này, quả thực là chỉ cần vài chương đầu thôi, các chương sau sách viết có hơi lan man và dài ^^. Đánh giá 3/5 điểm thôi.

“Đơn giản là sự tinh tế tối thượng” – Steve Jobs

COMMENTS