LỜI NÓI ĐẦU
Trong seri về lịch sử Trung Quốc thì trước đây mình đã giới thiệu cho mọi người về những vị hoàng đế Trung Hoa nổi tiếng nhất. Tuy nhiên để thực hiện được ước mộng bá chủ thì các vị đại đế tiên vương cần phải sở hữu những “thanh kiếm” đặc biệt của riêng mình. Những “thanh kiếm” đó chính là các thượng tướng, nguyên soái đã giúp các vị tiên đế kiến quốc lập nghiệp, thống lĩnh ba quân bình thiên hạ.
Sau đây mình xin giới thiệu cho mọi người 1 cuốn sách kể về 10 vị tướng soái kinh diễm nhất lịch sử Trung Hoa vạn cổ đến nay, những giai thoại điển tích về những vị tướng soái này đến nay vẫn còn được lưu truyền mãi.
- Lý do để đọc cuốn sách này: Những giá trị tư liệu lịch sử sâu sắc về tài trí, dụng binh như thần của các vị tướng soái là bài học lớn nhất đối với nghệ thuật quân sự hiện đại ngày nay.
- Điểm đáng lưu ý: Tác giả đã thuật lại đầy đủ chi tiết các điển tích và cố sự, các sự kiện nổi bật trong cuộc đời các bị tướng soái.
10 Đại tướng soái Trung Quốc
Tuế nguyệt xa xưa nhìn lại, trong lịch sử hàng vạn năm của đế quốc Trung Hoa từ cổ đại đến cận đại đã có bao nhiêu triều đại khai thổ kiến quốc, phát triển huy hoàng đến đỉnh cao, rồi lại lụi bại trong suy tàn. Mỗi một thời đại đi qua sản sinh ra tầng tầng lớp lớp tiên hiền, thiên tử tọa hạ chiến tướng đánh đông dẹp bắc tung hoành thiên hạ, uy chấn bát phương. “Tướng soái” chính là cấp bậc cao nhất chỉ huy trăm vạn đại quân từ bày binh bố trận trên sa bàn đến thực chiến ngoài mặt trận. Mỗi một tràng chiến tranh qua đi là để lại gió tanh mưa máu, hàng vạn tính mạng nằm xuống chỉ để tôn vinh tên tuổi của người chiến thắng, còn kẻ chiến bại thì mãi mãi nằm dưới nấm mồ xanh.
Từ đời hoàng đế này đến đời tiên vương khác, người giữ chức “Tướng” như sao đầy trời, nhưng người giữ chức “Soái” thì mấy ai thật sự nổi bật trong đám quần hùng, có mấy kẻ mà quân thù vừa nghe tên đã cởi giáp xin hàng, chắp tay chịu trói. Cuốn sách đã đưa ra được 10 vị tướng soái vạn cổ vô song trong lịch sử Trung Quốc về mưu trí và tầm nhìn thiên hạ, nhưng do số lượng quá nhiều nên mình sẽ chỉ đề cập đến 3 vị, và cũng trình bày cả quan điểm riêng của mình về các nguyên soái.
-
Tôn Vũ – Người đời xưng tụng “Binh Thánh”
Binh Thánh Tôn Vũ khi nhận chức thống soái ba quân nước Ngô
“Binh pháp tôn tử và 36 mưu kế” chắc hẳn đã quá quen thuộc với mọi người dân Việt Nam khi theo dõi các thước phim cổ trang của Trung Quốc. Thấy tài năng của Tôn Tẫn dụng binh như thần, đã ra quân là toàn thắng ấy chính là nhờ học thuyết về quân sự đầu tiên mà “Binh Thánh” Tôn Vũ khởi xướng. Ông đam mê nghệ thuật chiến tranh, ngồi trong lều vải mà chế tác binh thư, sáng tạo binh pháp, thực nghiệm binh biến đến xuất quỷ nhập thần, vang danh thiên hạ đến nỗi vua Ngô là Hạp Lư phải đích thân dùng nghi thức hoàng tộc đại lễ đến mời về làm đại nguyên soái huấn luyện ba quân. Điển tích “Binh Thánh” Tôn Vũ trảm hai ái cơ của tiên đế, huấn luyện cung tần mỹ nữ hành quân bố trận vẫn còn là một bài học sâu sắc đến ngày nay về sự kỉ luật trong quân ngũ. Chỉ với năm trận đánh thành danh, lấy sáu vạn quân Ngô diệt 20 vạn lính Sở đã uy hiếp cả thiên hạ, uy chấn bát phương, không ai là không biết đến tài cầm quân của Tôn Vũ. Tuy nhiên sau khi nước Ngô giành lại được đại kế thiên hạ thì Tôn Vũ đã cáo lão hồi hương, mai danh ẩn tích, nghiên cứu và truyền thụ cho đời sau cả một đời sở học “Binh pháp tôn tử và 36 mưu kế”.
Bách thắng tướng Bạch Khởi
Nếu trong thời đại Xuân Thu chiến quốc, thất hùng chi chiến mà hỏi nhắc đến tên ai khiến quân thù khiếp vía, tướng lĩnh biến sắc, dân đen kinh sợ thì chỉ có thể nhắc tới Bạch Khởi – Đại soái trăm trận trăm thắng chiếm 73 thành trì, mở rộng hơn trăm dặm đất đai cho Tần quốc. Ông không theo lối mòn của binh pháp mà dựa theo bản năng điều binh khiển tướng khiến cho không một tướng lĩnh nào của phe địch có thể đoán được ý đồ, từ đó có thể dễ dàng lấy 12 vạn quân Tần chém 24 vạn thủ cấp liên minh Hàn Ngụy, chiếm kinh đô nước Sở khiến quần thần Sở phải tháo chạy. Nhưng có lẽ kinh diễm nhất phải nói đến trận đại chiến Trường Bình với 45 vạn quân Triệu. Đại soái Bạch Khởi đã vận dụng mọi mưu kế, chiến thuật để chia cắt quân Triệu và bắt sống từng bộ phận một. Chỉ với một lời hứa xuông của Bạch Khởi, toàn bộ 45 vạn lính Triệu đã cởi giáp quy hàng, tuy nhiên ông đã tạo nên một trường bi kịch của Trường Bình khi hạ lệnh chôn sống tất cả khiến âm hồn gào thét kêu thấu trời xanh. Vì hy vọng đạt được công lao nhất thời, “Nhân đồ” Bạch Khởi khi đó không thể ngờ được rằng, dã tâm của ông ta đã nung nấu thêm ý chí và quyết tâm của các nước chư hầu chống Tần. Đến cuối đời do ỷ mình có công lao lớn không tuân mệnh vua nên bị vua Tần tước hết chức vị, cuối cùng phải tự sát: một cái kết oán nghiệp do chính ông tạo ra.
Đại soái Nhạc Phi khi thống lĩnh tam quân chống quân Kim xâm lược
Nếu như có ai đã từng xem bộ phim kiếm hiệp của Kim Dung: “Ỷ thiên đồ long kí” thì chắc hẳn sẽ nhớ ẩn chứa bên trong đồ long đao đó chính là “võ mục di thư” của danh tướng Nhạc Phi – đoạt được nó tất sẽ chiếm được giang sơn. Quả thật tài năng của nguyên soái Nhạc Phi không ngòi bút nào có thể miêu tả hết được, ông đã cầm đại ấn nguyên soái Nam Tống đấu với quân Kim 126 trận, và cả 126 trận là toàn thắng khiến cho quân thù khiếp vía, cứ nghe đến tên là chân run cầm cập, dẫm lên nhau mà chạy. Vận dụng binh pháp như thần, lấy hư đánh thực, lấy thực phá hư đã khiến cho các tướng linh bên dưới tâm phục khẩu phục, luôn tuân theo các kế sách mà Nhạc Phi đề ra. Lòng trung nghĩa chính trực, tận trung báo quốc của ông luôn bị bọn gian thần soi mói và hãm hại, không muốn Nhạc Phi công cao lấn át nên bọn chúng đã ngụy tạo chứng cớ buộc tội Nhạc Phi mưu phản và đầu độc chết ông. Vụ án oan thấu trời xanh này đã được các vị đại đế tiên vương sau này giải oan, truy phong Nhạc vương và được thờ tại Đế Vương Miếu. Nhạc Phi luôn là một biểu tượng của nhân dân Trung Hoa về lòng trung nghĩa, bất khuất kiên cường chống quân xâm lược.
Trên đây là 3 vị đại nguyên soái mà mình cảm thấy tâm đắc nhất về tài cầm quân bình thiên hạ. Sách còn đề cập đến 7 vị thần tướng nữa, mọi người hãy cùng ra hiệu sách, mua và đọc xem 7 vị đó là ai nhé.
——————————————————————-
Nhìn vào lịch sử để thấy ta của hiện tại, nhìn vào điển tích để thấy tiên hiền đối nhân, nhìn vào cố sự để thấy tiền nhân xử thế
COMMENTS