[Book Review] Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

[Book Review] Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

[Book Review] Tru Tiên
[Book Review] “Chiến thắng con quỷ trong bạn”- Bạn đã làm được?
[Book review] Con nghĩ đi, mẹ không biết!

Lời nói đầu: Tuổi thơ là một cái gì đó rất hoài niệm. Trẻ con thì luôn muốn mình lớn thật nhanh để mà có thể làm những điều mong muốn, nhưng khi lớn rồi thì lại rất muốn vứt bỏ tất cả chỉ để có thể tua ngược thời gian, quay về trở về thời thơ ấu của mình. Giá như lúc này có một chuyến tàu để đi ngược về thời bé thì chắc chắn rằng ai cũng sẽ muốn chiếc vé tàu đặc biệt này. Chỉ thật đáng tiếc là chuyến tàu đấy mãi mãi chỉ trong tưởng tượng mà thôi. Tuy nhiên đã có một người đã bán những tấm vé, bán những hy vọng trở về tuổi thơ. Đó chính là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: người đã dành tặng mỗi người một tấm vé đặc biệt, tấm vé về với con sông trong trẻo của tuổi thơ để gột rửa những bụi bặm, phức tạp của thế giới người lớn thông qua cuốn sách :

Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

 

Với mình mà nói thì đây là một cuốn sách vô cùng thú vị, ngọt ngào và có nhiều niềm vui. Vui ở đây không chỉ vì giọng văn của Nguyễn Nhật Ánh quá dí dỏm, hài hước, mà còn vì các suy nghĩ quá đỗi dễ thương của một cu Mùi thích đảo lộn thế giới, một Tí sún nấu mì dở tệ, một Hải cò, và một bé Tủn thích chơi trò vợ chồng. Bốn đứa trẻ đã sở hữu 1 tuổi thơ thật phong phú trong chính ốc đảo mường tượng của riêng mình, mà lũ trẻ thành phố hiện tại sẽ không thể nào tưởng tượng ra nổi.

Trong thế giới kì ảo tưởng tượng của riêng mình, Cu Mùi đã có một ý tưởng rất táo bạo khi muốn sáng tạo ra vạn vật, muốn đặt tên cho cả cái thế giới này. Cu cậu muốn biến gối ôm thành búp bê, biến cái nón thành cuốn tập viết, gọi cái đầu là chân và gọi thằng bạn thân là thầy hiệu trưởng. Trong thế giới này thì Mùi đã định nghĩa trẻ con học bài là trẻ con hư, và những đứa nào suốt ngày rong chơi lêu lổng, đánh nhau mới chính là những đứa trẻ ngoan. Ngay cả đến bảng cửu chương cũng muốn có kết quả khác với đáp án hiện tại. Thậm chí to gan hơn khi cu cậu không muốn Trái Đất quay quanh Mặt Trời nữa mà sẽ tìm phương pháp để quay theo hướng cu cậu thích.

Cái thế giới vô cùng kì cục của chúng toát lên 1 ước muốn mới mẻ hơn, tinh khôi hơn thế giới hiện tại. Mùi và chúng bạn muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ngày nào cũng như ngày nào cũng chỉ có ăn – ngủ – học lặp đi lặp lại vô cùng nhàm chán.

Tấm vé đã trao đến tay mọi người

Cuốn sách như thước phim quay chậm khiến người đọc tìm về kí ức tuổi ấu thơ. Với những kỉ niệm trong veo và đôi khi là những trò nghịch dại. Có lẽ, ai trong chúng ta cũng từng giống như Hải Cò, như Tí Sún, luôn nuôi ý nghĩ sẽ tìm ra kho báu đến mức đào xới tung cả khu vườn. Ai trong chúng ta cũng từng có những “mối tình” ngốc nghếch vô tư như Mùi và Tủn. Nhưng sau những tràng cười sảng khoái vì sự ngây ngô, hồn nhiên của trẻ nhỏ. Chúng ta lại không tránh khỏi đôi phút chạnh lòng khi bốn đứa trẻ mở ra phiên toà phán xét lỗi lầm từ người lớn. Tí Sún kể tội ba hay nhậu nhẹt, uống rượu say đến mức tông xe vào cột điện, cô bé đã rưng rưng nước mắt khi nghĩ đến cảnh tượng phải làm trẻ mồ côi. Cu Mùi lại trách móc ba mẹ luôn cho bản thân là đúng và tài giỏi, để rồi ép buộc con cái phải làm theo ý muốn của mình. Đọc đến những dòng chữ này, có lẽ rất nhiều bậc phụ huynh phải giật mình tự hỏi, rằng cách giáo dục con cái của họ đã đúng đắn hay chưa? Rằng họ đã thực sự lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con, hay vẫn luôn nghĩ rằng trẻ thơ chỉ cần lớn lên theo hành trình ba mẹ đã đo đếm sẵn.

Trong cuốn sách có một câu chuyện nhỏ thôi nhưng lại là chi tiết lấy đi nhiều nước mắt từ mình, đó là khi mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể về trại chó hoang. Ai trong chúng ta thuở ấu thơ cũng từng có những người bạn bốn chân thân thiết, và Cu Mùi, Tủn, Tí Sún, Hải Cò cũng không phải là ngoại lệ. Bốn bạn nhỏ đã nhận nuôi những chú chó con đi lạc, nhịn ăn nhịn mặc để chăm sóc chúng, lại còn vất vả kì công làm huấn luyện viên. Ngôi nhà của Tí Sún trở thành “đại bản doanh” để nuôi nấng đàn chó cưng của cả nhóm. Những đứa trẻ đã vô cùng cảm kích vì sự rộng lượng của ba Tí Sún, ông ta không hề la mắng khi thấy đám trẻ mang theo cả bầy chó hoang nheo nhóc về nhà. Nhưng mãi sau này, chúng mới đau đớn nhận ra, sự dễ tính của ba Tí Sún hoàn toàn có lý do và mục đích. Đến một ngày, bốn bạn nhỏ ngơ ngác không hiểu vì sao, những chú chó cưng cứ dần biến mất một cách lạ lùng. Ban đầu, cả nhóm vẫn cất công đi tìm kiếm, cho đến khi nhìn thấy cảnh tượng, những người bạn bốn chân mà chúng yêu thuơng nhất đang trở thành miếng mồi béo bổ trên bàn nhậu của các bậc phụ huynh. Với người lớn, thịt chó đơn thuần chỉ là món ăn, nhưng với trẻ thơ những chú cún cưng chính là người bạn vô cùng thân thiết. Nhìn người bạn thân thiết của mình ra đi mãi mãi thì ai lại không đau xót cơ chứ.

Tôi dành cả tuổi thơ để ước rằng mình mau chóng lớn lên,
và rồi dành cả quãng thời gian trưởng thành để mong mình bé lại…

Khi đọc Cho Tôi Xin 1 Vé Đi Tuổi Thơ, những người lớn đang mải miết mang cơm áo gạo tiền có thể dừng chân đôi chút mà ngoái về phía sau, nhớ về thời thơ ấu chính mình và hiểu con em mình hơn để rồi có thể tiếp cận được thế giới của riêng bọn trẻ. Với tư thế của 1 người bạn, người lớn sẽ xóa được “lằn ranh giữa trẻ con và người lớn” mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho là “khó ngang với ranh giới xóa bỏ giàu, nghèo trong xã hội”.

Cuốn sách đã để lại cho mình một ấn tượng thật sự rất là sâu sắc, hoài niệm tuổi thơ, trân trọng cách nghĩ và cái nhìn của con trẻ. Sau này đây ai rồi cũng sẽ già, có rất nhiều thứ có thể quên mất trong cõi đời này, nhưng tuổi thơ mãi mãi sẽ được khắc ghi trong tâm của mỗi người, Một kí ức không bao giờ có thể quên được.

————————————————————————————–

Tháng năm tuổi trẻ là ai đang thở dài

COMMENTS