[Book review] Con nghĩ đi, mẹ không biết!

[Book review] Con nghĩ đi, mẹ không biết!

[Book Review] Động lực chèo lái hành vi
[Book Review] 10 Đại hoàng đế Trung Quốc
[Book Review] 10 Đại thừa tướng Trung Quốc

Đây là cuốn sách mình được tặng khi đã trải qua ½ quãng đường 9 tháng 10 ngày. Thoạt đầu, nhìn tựa đề cuốn sách mình đã nghĩ: chắc nội dung sẽ là những câu hỏi của con và có lẽ mình nên đọc nó sau vài tháng nữa, khi con  bắt đầu nhận thức, tập nói, bắt đầu có những thắc mắc đầu đời,… Nhưng một ngày nhớ tới người tặng sách, mở ra đọc vài dòng đầu mình đã thực sự bị bất ngờ, cuốn hút và quyết định ngấu nghiến hết nó không bỏ qua một chi tiết nào.

Và dưới đây mình sẽ chia sẻ một vài điều ấn tượng mình nhận được từ cuốn sách này.

Trước tiên, hãy cùng làm quen cuốn sách qua bố cục để hiểu hơn về mạch văn của tác giả- chị Thu Hà. Cuốn sách được chia làm 3 phần chính là: “Khi con chúng ta ăn”, “Khi con chúng ta học” và “Vui sống cùng con”. Mỗi phần đều có các quan điểm, những câu chuyện xoay quanh đời sống hàng ngày rất chân thực, gần gũi khiến người đọc như tìm thấy hình ảnh của chính mình trong đó.

1. “Khi con chúng ta ăn” – Một nỗi sợ mang tên “tương lai” của bản thân mình

Cân nặng của con luôn là một nỗi lo của các bà mẹ. Từ quá trình thai kỳ, mình luôn nhận được những câu hỏi đại loại như “bé mấy cân rồi”, “bé có đủ cân không”,… Nếu câu trả lời là “vừa đủ” hay “thiếu vài gram” thì ngay lập tức sẽ nhận được lời đáp “mẹ ăn hết chất của con rồi”, “mẹ không biết ăn vì con”,… mà chẳng hề mảy may quan tâm tới việc mình ăn uống như thế nào, có khỏe mạnh hay không, con mình với cân nặng như thế có khỏe mạnh, có đang phát triển bình thường hay không. 

Nhưng vậy đã là gì so với khi con chào đời. Những câu chuyện trải lòng của chị Thu Hà đã khiến mình cực kỳ ấn tượng ngay từ những trang sách đầu tiên. Bởi những câu chuyện của chị không hề sáo rỗng, mà rất thực tế, thực tế như chính cuộc sống của chị vậy. 

Mở đầu bằng một lời thú nhận “Tôi là một bà mẹ nuôi con còi!” Chị Thu Hà đã nhắc lại cho tất cả các bà mẹ khác đang chịu áp lực về cân nặng của con, tất cả mọi người đang có mối quan tâm “lệch” rằng: “Cả Thế Giới đang đau đầu phòng chống bệnh béo phì”,…và “Sự khỏe mạnh về tinh thần quan trọng hơn mọi chỉ số chiều cao cân nặng”. Khi các mẹ quá stress về điều đó sẽ vô tình khiến con bị sống trong bầu không khí bị “ô nhiễm”. 

Vậy các mẹ nên làm gì để con khỏe mạnh và có cuộc sống vui vẻ?

Hãy tôn trọng thể tích dạ dày của con và không so sánh với các bé khác. Nuôi con phải dân chủ! Điều quan trọng nhất là các mẹ phải nhìn vào con mình, lắng nghe con mình. Các bé khác lớn nhanh hơn con mình ở thời điểm này nhưng có thể con sẽ lại lớn nhanh hơn các bé đó ở thời điểm khác. Không có gì phải sốt ruột.

Hãy tôn trọng con và thư giãn! Cao to vượt trội, thông minh vượt trội, hẳn là rất có ưu thế! Nhưng giữ được cuộc sống vui vẻ và thoát khỏi những xiềng xích mình tự trói buộc mới thực sự là hạnh phúc.

Và, không đánh giá trẻ chỉ bằng một cái cân! Tất thảy, từ các mẹ cho tới anh em họ hàng đồng nghiệp,.. Đều vội có những đánh giá con hay cách chăm con của mẹ dựa vào cân nặng của con mà quên đi rằng để đánh giá một em bé cần hàng trăm các đề mục khác như: ngôn ngữ, chạy nhảy, nhận thức xã hội,… chứ không phải là một cái cân!

Bị cuốn đi từ ấn tượng này đến ấn tượng khác, “Cai con” tiếp tục làm mình chú ý. Đúng như tựa đề, chị Thu Hà đã gửi gắm một thông điệp đến những người mẹ yêu con hoặc quá yêu con rằng: “Tình yêu đích thực là tình yêu làm bạn được tự do. Tình yêu con cũng thế, xin đừng tước đi tự do của con”. Để chăm một cái cây tươi tốt thì bạn đừng tưới quá đẫm nước, đừng cột cây quá chặt và đừng che quá kín cây con.

Ngoài ra, còn rất nhiều các nội dung hấp dẫn khác được bày tỏ trong phần này, các bạn đừng bỏ qua nhé.

2. “Khi con chúng ta học” – những điều mình nên dũng cảm chuẩn bị

Trải qua các cung bậc cảm xúc của phần “Khi con chúng ta ăn”, tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến tựa đề cuốn sách thì đây có lẽ là phần lột tả nhiều nhất câu nói:” Con nghĩ đi, mẹ không biết!”

Trong vô vàn các câu chuyện thể hiện quan điểm của chị Thu Hà như: “Đừng nhốt thiên thần trong cái ao 26 chữ cái”, “Trẻ con có cần đi học thêm” hay “Con nhà người ta!”,… mình ấn tượng nhiều nhất với ba quan điểm. Đó là “Đừng tước đi quyền được sai của con”, “Danh hiệu như kẹo ngọt” và “Cho con có “cổ phần””.

“Đừng tước đi quyền được sai của con”. Các bậc cha mẹ với tuổi thơ thường xuyên phải lao động cật lực, phụ bố mẹ và ít được chăm sóc chuyện học hành thì luôn muốn bù đắp cho con những gì mình còn thiếu. Nhưng điều đó có thực sự tốt không khi mà các bé luôn được bao bọc trong một “chiếc lồng”. Tại sao lại tước đoạt đi quyền được thử, quyền được sai, quyền được làm bể chén đĩa, được đứt tay, đi lạc,… của các bé? Trong khi lớn lên thì lại muốn con phải chăm chỉ, phải khéo léo như một phép màu. Để rồi bố mẹ lại đau đớn không hiểu sao con mình lại vụng về, ích kỷ đến thế… Đấy không phải là cách dạy con hay và úm con trong vòng tay mình chưa bao giờ là cách yêu con tốt nhất!

“Danh hiệu như kẹo ngọt” là quan điểm mình rất bất ngờ. Nhớ lại ngày còn học mẫu giáo, tiểu học mình luôn được xếp trong danh sách học sinh tiêu biểu, năm nào cũng được danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ hay học sinh giỏi đi thi giải này giải kia. Điều đó đã vô hình làm thui chột đi khả năng rèn luyện, phấn đấu, cố gắng vươn lên trong mình, đôi lúc còn khiến mình ảo tưởng hoặc có thể tự đánh giá cao về khả năng của mình nữa. Danh hiệu cũng như kẹo ngọt! Để con không ăn quá sớm, lỡ may bị sâu răng thì chị Thu Hà đã có cách làm rất khác người – Đề nghị không cho con danh hiệu cao nhất khi con học lớp đầu tiên. Niềm vui không phải ở việc con đạt danh hiệu gì, mà ở chỗ con có yêu cô giáo, yêu trường lớp, có thích thú với việc đi học hay không. Trong khi các trường học ở Việt Nam tạo ra những đứa trẻ chạy theo thành tích thì các ngôi trường ở Israrel – nơi nuôi dưỡng trí thông minh của người Do Thái lại tạo ra những đứa trẻ tò mò. Và thường, các cuộc thi ở Việt Nam giành cho người giỏi, để vinh danh những người giỏi nhất thì tại Canada lại cho rằng những cuộc thi, những cuộc trình diễn là một cơ hội để giáo dục, giáo dục những “học sinh cá biệt”, tự kỷ, nhút nhát hoặc nói ngọng,…

“Cho con có “cổ phần”” là tạo điều kiện để con được lựa chọn, được tham gia ý kiến, được giao nhiệm vụ, chính là cách để con có “cổ phần” trong gia đình mình. Người được quyền lựa chọn luôn luôn có cảm giác được làm chủ cuộc đời. Và chính như vậy, con sẽ tự có trách nhiệm với những quyết định của cuộc đời mình. Sai sớm thì sửa sớm. Trả giá sớm khi trong tay chưa có nhiều tài sản và chưa có người phụ thuộc vào mình, có đáng hơn không?

3. Đồng quan điểm với tác giả trong “Vui sống cùng con” 

Là một người mẹ đơn thân, để thực hiện việc vui sống cùng con thì thực sự chẳng dễ dàng gì. Nhưng chị Thu Hà vẫn làm được, những quan điểm của chị không theo số đông nhưng nó đã đúng với chị.

Với chị, một người mẹ mẫu mực mà chị hướng tới không phải là một bà mẹ quá hoàn hảo, quá giỏi giang hay quá tinh tế. Chị luôn giành chỗ cho con lớn. Chị giữ lấy quyền được yếu đuối, bởi khi chị trùng xuống cũng là lúc con lớn hẳn lên. Chị cho phép mình được lười, chia sẻ công việc cùng con, sai con nhưng là để con học được cách thông cảm, chia sẻ và thấu hiểu với người khác, không phân biệt đó là con trai hay con gái. Chị luôn muốn con mình khoe với bạn bè về mẹ rằng: “Mẹ tớ đi chơi nhiều, và mẹ tớ rất cool”. Bởi chị biết, mẹ ăn mặc thời thượng con càng tự tin, mẹ có thân hình đẹp con càng kiêu hãnh, mẹ càng ham học hỏi con càng chăm chỉ học hành, mẹ càng yêu bản thân con càng có tính độc lập, mẹ càng chia sẻ yêu thương con càng rạng rỡ sáng sủa, mẹ càng chân thành và thân thiện thì con càng ngay thẳng… Các mẹ Việt Nam luôn có xu hướng hi sinh, vất vả, tất cả dành cho con mà quên đi rằng con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. 

Một quan điểm nữa mà mình muốn ghi nhớ đó là “Nói thế nào cho con nghe, nghe thế nào cho con nói”. Một chị đồng nghiệp từng chia sẻ với mình rằng, chị luôn nói với con: mẹ với con là hai người bạn, mình cùng tâm sự như bạn bè nhé. Quả thực, chưa nói gì tới việc hiểu con, lắng nghe con là một việc cần phải rèn luyện và đòi hỏi có sự kiên nhẫn, bình tĩnh và tập trung. Khi lắng nghe con nói, hãy làm một người bạn thay vì một người mẹ. Hãy ngồi xuống cho ngang bằng với con, nhìn vào mắt con, hãy nghe bằng hai tai, không phải là nghe được nửa câu rồi nhảy vào họng con khuyên răn bằng những bài đạo đức dài dòng. Các con chỉ cần mẹ lắng nghe thôi, còn các con tự có lời giải cho chính, theo cách của mình rồi. Hãy chấp nhận suy nghĩ, tình cảm của con. Còn làm thế nào để hiểu con? Understand – đứng thấp hơn thì mới hiểu được. 

Vậy đó, con cái là người bạn thân thiết nhất của chúng ta trong suốt cuộc đời nên để nói chuyện được với con, dù khó, dù gian truân, dù phải đứng thấp hơn, nhưng sá gì mà chúng ta không học tập?

4. Kết luận

“Cuộc sống là không công bằng. Không có gì là mãi mãi, không có gì là bất biến, không có gì là đơn sắc. Điều đó sẽ làm con bạn mạnh mẽ. Con cần hiểu về cuộc đời, nhưng rốt cuộc vẫn nên chọn tin vào những điều tốt đẹp. Bởi vì con sẽ trở thành cái mà con tin!” đã đóng lại một cuốn sách ý nghĩa với một người đang và sắp làm mẹ như mình. Cuốn sách còn rất nhiều nội dung hay, mà có lẽ sẽ giúp ích cho bạn ở một thời điểm nào đó. Nên đừng vội đọc nội dung review của mình mà bỏ qua cuốn sách này nhé.

COMMENTS