LỜI NÓI ĐẦU
Có lẽ mỗi chúng ta bây giờ khi nhìn về những vật dụng, những trò chơi từ thủa trẻ con còn chơi đều dâng lên một cảm xúc bồi hồi xúc động, những kỉ niệm ùa về theo năm tháng khiến cho ai đó nhớ lại. Ai cũng có lẽ đã từng trải qua nên khi chia sẻ với nhau những kỉ niệm đó đều nhận được những tiếng cười giòn tan, tuy nhiên nếu như có người nào đó chưa từng được thấy, được chơi những thứ đó thì đều nhận được những lời đầy ngạc nhiên : “sao mà tuổi thơ dữ dội thế, đến cái này mà cũng không biết …”. “Tuổi thơ dữ dội” có lẽ nhiều người hay nói nhưng không biết nó có nguồn gốc từ đâu. Câu nói này vốn dĩ là tiêu đề về một cuốn sách vô cùng nổi tiếng của nhà văn Phùng Quán kể về những thiếu niên anh hùng trong thời kì chiến tranh Đông Dương vô cùng khốc liệt.
Sau đây mình xin được giới thiệu về cuốn sách viết về thời kì kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam anh hùng đã đi sâu vào tâm khảm của bao độc giả, từ thiếu niên đến các bậc bô lão, ai cũng có một lần biết hoặc nghe nói đến cuốn sách này:
Tuổi thơ dữ dội
Chiến tranh vốn dĩ rất khốc liệt, nó xảy ra cuốn hết mọi thứ vào vòng xoáy đau thương mất mát. Già trẻ gái trai không ai nằm ngoài điều đó, chỉ có dám đứng lên chống lại để kiến tạo tương lai bình yên sau này hay không mà thôi. Ở một đất nước hình chữ S nhỏ bé có những tấm gương bất khuất anh hùng, thiếu niên anh dũng lớp lớp nổi lên, sóng sau đè sóng trước tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc. Không có một ngôn từ hoa mỹ, tráng lệ nào có thể bày tỏ được hết lòng cảm phục của mình đối với các em – những thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.
Đầu tiên mình sẽ kể về tổ trưởng đoàn thiếu niên trinh sát Vịnh-sưa. Cậu bé được nuôi dưỡng bởi ông chú bà cô họ hàng nhưng suốt ngày bị đánh đập, bắt làm việc quần quật suốt ngày. Một cậu bé 14 tuổi ra dáng người chiến sĩ cụ Hồ, kỷ luật nghiêm minh, quy củ nề nếp, ấy vậy lại là người ra đi đầu tiên trong tiểu đoàn 32 trinh sát nhỏ. Trong một đêm đi tìm đồng đội của mình, Quỳnh và Vịnh-sưa bị lạc vào hầm che giấu súng đạn và kho vũ khí của giặc. Nhưng với sự gan dạ và kiên cường, Vịnh-sưa đã đặt cược cuộc đời mình cho tự do của Tổ quốc, lấy tấm rèm cửa làm thành cờ trắng, quần thành cờ đỏ, trèo lên nóc kho đạn quân địch, ám hiệu vẫy cờ về phía đài quan sát của quân ta, chỉ lối quân ta đánh vào kho vũ khí của giặc.
Bị giặc bắn chết như một tấm bia sống, em như Từ Hải chết đứng trên chiến trường, quấn thân mình quanh cột thu lôi chống sét, em ra đi một cách ngạo nghễ và kiêu hùng nhất. Nếu như người quan sát chậm trễ vài giây thôi, chỉ cần một sự lệch lạc thì mọi cố gắng của em sẽ tan thành mây khói. Em ra đi, là điều buồn bã nhất của tiểu đội, nhưng đó lại là sự ra đi có ý nghĩa, có mục đích, là đổ máu cho quê hương. 14 tuổi, em đi xa mãi trong lần đầu được ra mặt trận, ra đi mà chẳng tiếc đời xanh.
Hình ảnh minh họa về Lượm sứt – chiến sĩ liên lạc kiên cường
Mình bái phục trước em Trần Lượm- Lượm sứt- một Việt Minh hạng nặng- phó trưởng ban ám sát đồn Hộ Thành- người rải truyền đơn hạng nặng. Trước một nhân cách cao cả, mình vô cùng khâm phục trước ba lần đào tẩu trốn tù của em. Dũng cảm, gan dạ, thiện chiến…một thiếu niên mới 14 tuổi đầu với trò đời khôn lẻo mà cũng non nớt thật ngây thơ với niềm tin bị sụp đổ khi thấy anh chỉ huy trưởng bị bắt vào nhà lao Thiên Phủ, em khóc không phải vì những đòn tra tấn xé thịt của Ty An Ninh hay của Một Điếu mà khóc vì sự bất lực của bản thân, của ý chí bị lung lay. Em chiến đấu một mình trong tù, bất chấp sự man trá của bọn Tây, em vẫn giữ lòng tin vào cuộc chạy thoát khỏi ngục tù của mình.
Hình ảnh minh họa về Quỳnh sơn ca và Bồng da rắn
Quỳnh sơn ca- em là ngọn gió mùa xuân tươi mát thổi qua hơi lửa của chiến tranh sực sôi ở Hòa Mỹ. Cậu bé dù chân đau đến nỗi không thể đi lại được nhưng vẫn quyết không từ bỏ Việt Minh để trở về nhà để làm một cậu ấm. Tuy em chưa ra mặt trận bao giờ, chưa từng vác súng đánh giặc, lầm lũi mãi quanh bệnh viện. Thể chất tàn nhưng tâm trí không tàn. Không cầm súng đánh giặc trực tiếp, em dùng tấm lòng của mình xoa dịu vết thương thể xác của các anh bộ đội. Em là thiên tài về âm nhạc, trên giường bệnh vẫn nhớ lời hứa của mình với Mừng- viết một vở nhạc kịch về công lao đứa con trèo hàng trăm ngọn tháp bút cao chót vót mang về sắc thuốc cho mẹ khỏi bệnh.
“Nhưng niềm say mê và lòng quyết tâm ghê gớm của chú ta trong việc sáng tác vở nhạc kịch cách mạng đã làm tôi và hầu như tất cả bệnh viện phải xúc động sâu sắc. Nhiều hôm tôi bất chợt đi vào lán, gặp chú ta đang nằm tùm hum trên sạp nứa, mình đắp cái bao tải đen thui như giẻ chùi chân, ghé sát mặt bên khuôn cửa nhỏ xíu, cắm cúi viết nhạc lên lá cây, đôi môi nhỏ như vẫn còn thoảng mùi sữa nhẹ, tái nhợt vì thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, đang mấp máy khe khẽ một âm điệu gì đó”
Em phải chịu một sự cám dỗ khủng khiếp: Cha em là tên đại Việt gian, viết thư xin cho con trai về với quê hương, sang Thụy Sỹ chữa bệnh và thành tài với chiếc đàn dương cầm và mấy chục lượng vàng thay vì bát cháo gạo loãng với mấy con tôm khô mặn chát, uống thuốc ký ninh hòa với nước trời.Em mãi là hình ảnh chú chim sơn ca ngân vang mãi trong trí nhớ, trong tiềm thức của dân quân kháng chiến.
Một khoảng trống nho nhỏ dành riêng Bồng-da-rắn. Em tuy chưa đọc thông viết thạo, nhưng có năng khiếu đặc biệt là “đánh hơi” rất nhanh ý đồ quân sự của cấp trên. Bồng da rắn đã mò mẫm và ngụp lặn hàng tiếng đồng hồ ở 1 bãi lầy cao đến cổ chỉ vì tìm một khẩu tôm-xông của bọn Pháp đánh rơi. Em quyết tâm tìm cho ra nó vì đối với Việt Minh còn nghèo nàn và đói kém, khẩu súng của giặc là một vật báu. Em băng mình, cố chấp tìm kiếm trong sự nguy kịch khi giặc đến rất gần bờ sông…
Mừng- cậu bé nhỏ tuổi nhất gầy dơ xương với bao nốt ghẻ trên lưng hóa ra lại là tấm bản đồ sống khu Hòa Mỹ. Chỉ cần một cái liếc mắt, em đọc được cả bản đồ mật, leo trèo qua bảy chiến khu làm liên lạc. Không có ai lại thông thuộc hơn em. Em còn biết tường tận cả tổ ong vò vẽ ở nhánh cây nào. Một đứa bé nổi bật nhất trong tiểu đội -nai tơ lẫn cả tin chưa thấu hiểu sự đời nhất nhưng Mừng lại bị nghi oan là tay Việt gian mà sự thật nào có phải thế. Em gầy như da bọc xương, dấm dứt khóc lên khóc xuống khi bị đồng đội nghi ngờ. Lần anh dũng cuối cùng em đã đảm nhận nhiệm vụ nhận điện của Ban tham mưu trưởng, quan sát vị trí của giặc để thông báo kích hoạt bom. Câu cuối cùng như tha thiết, như dằn vặt của em “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!”
“Lời cầu xin khẩn thiết cuối cùng của người chiến sỹ thiếu niên vừa tròn 13 tuổi đời, yếu ớt và nhỏ như gần một hơi thở, nhưng trong khoảnh khắc ấy đã trùm lấp cả tiếng bom đạn giặc, và cả tiếng sấm rền của trận địa mìn đã làm tanh bành hơn hai đại đội giặc”
Các em một đời một kiếp chọn Việt Minh, hạnh phúc được chung nhau san sẻ củ sắn, cái bao tải làm chăn, rồi bắt rận cho nhau, chăm nhau mỗi khi sốt rét. Hạnh phúc thật đơn sơ biết bao…
Sau khi đọc xong cuốn sách này, mình cảm thấy rất tự hào về tinh thần yêu nước của thiếu niên Việt Nam thời kì đó, anh dũng có, kiên trung có, bất khuất có. Những tấm gương như vậy giống như một ngọn lửa rực sáng truyền hơi ấm cách mạng đến muôn nẻo ngõ ngách của Việt Nam, tiếp sức thêm cho tình yêu đất nước, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ tổ quốc của một dân tộc anh Hùng.
Tháng năm tuổi trẻ là ai đang thở dài
COMMENTS