Một số kỹ năng mềm nên có của một Tester

Một số kỹ năng mềm nên có của một Tester

Bước đầu với kiểm thử tự động
Một số mẹo viết Bug report “chất lượng”
Automotive Testing

Từ một cô sinh viên ngành Nhân sự, cuộc đời mình đã rẽ sang một hướng khác, trở thành một Tester. Trong tay không có một chút kiến thức gì về IT ngoài kiến thức tin học văn phòng. Chưa từng tham gia khóa đào tạo về nghề Tester ở bất kỳ trung tâm nào. Nhưng, may thay, mình vẫn sống được với nghề Tester cho đến nay cũng được 5 năm rồi. Và đây là những tích lũy về trải nghiệm của mình trong những năm qua, những kỹ năng mình cho là cần có để “sống” trong nghề Tester.

1. Tự học

Ở cái thời đại mà công nghệ phát triển từng ngày, từng giờ, nếu bạn ngừng lại hay chỉ tạm ngừng lại đi nữa thì cũng đã bị tụt lại phía sau rồi. Mỗi ngày chúng ta đều đón nhận nhiều điều mới. Công nghệ mới hoặc những điều chúng ta chưa biết. Nếu không tiến có nghĩa là bạn bị lùi, bị tụt hậu so với thời đại. Tiến nhanh hay chậm cũng được, quan trọng là hôm nay đã tiến bộ hơn hôm qua.

Học là một kỹ năng, bạn cần biết học điều gì sẽ giúp ích cho công việc của bạn trong hiện tại và tương lai. Đôi khi là sự đoán định, đôi khi là cảm nhận, đôi khi là việc để mình thấy mình có tiến bộ mỗi ngày. Dù ít dù nhiều, bước thêm một bước vẫn là tiến lên.

2. Kỹ năng giao tiếp

Ngoài làm việc với phần mềm hay những tài liệu đặc tả kỹ thuật, bạn còn giao tiếp với các thành viên trong nhóm như PM, leader, dev, BA,… Việc sử dụng tốt khả năng giao tiếp sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc. Bạn có thể mô tả rõ ràng yêu cầu của dự án, vấn đề gặp phải hay giúp mối quan hệ giữa bạn và các thành viên khác được tốt hơn. Vậy nên, hãy luôn trau dồi kỹ năng giao tiếp và đừng ngần ngại gì hết, hãy trân thành. Việc giao tiếp mang lại sự hiểu nhau và hỗ trợ công việc được tốt hơn. Mọi người hiểu được khó khăn của nhau.

3. Đồng cảm

Đồng cảm nhiều lúc bạn sẽ bắt gặp đây là một phần của kỹ năng giao tiếp. Nhưng ở đây, mình muốn nêu thành mục riêng với mong muốn đồng cảm được nhiều sự chú ý hơn. Đồng cảm cũng nên được coi là một kỹ năng, kỹ năng này được thể hiện trong việc giao tiếp.

Đồng cảm là cần thiết khi bạn muốn hiểu mình, hiểu người, và đặc biệt là bạn hiểu khách hàng muốn gì ở sản phẩm. Khi đứng ở vị trí của nhau, sẽ giúp bạn hiểu vì sao họ mong muốn như vậy, nếu là khách hàng, họ mong muốn gì ở đội phát triển, nếu là dev, họ đang hiểu yêu cầu như nào. Đồng cảm giúp bạn đứng từ nhiều góc độ để nhìn nhận vấn đề, đưa ra những lý lẽ thuyết phục người khác. Nhờ vậy, sản phẩm sẽ hoàn thiện hơn, vừa ý khách hàng, người dùng, mà ngay cả trong team phát triển cũng thoải mái hơn.

4. Kỹ năng phân tích

Phân tích tốt là một lợi thế rất lớn đối với Tester. Bạn cần phân tích hệ thống, phân tích yêu cầu. Càng rõ ràng, bao quát bao nhiêu thì rủi ro càng thấp và nhờ vậy mà chất lượng sản phẩm được nâng cao lên. Nhưng đối với người ngoài ngành IT, thì kiến thức về kỹ thuật phần nhiều là hạn chế. Chủ yếu mình hướng đến việc phân tích theo hướng trải nghiệm của người dùng (UX). Kỹ năng này đặc biệt cần thiết cho người ngoại đạo như mình. Ví dụ như, do không bị ảnh hưởng nhiều bởi kiến thức kỹ thuật nên tư duy và thao tác nhiều điểm tương đồng với người dùng thông thường hơn, nên khi đứng từ phía người dùng, thì người ngoại đạo lại có chút lợi thế.

Để cải thiện kỹ năng phân tích có rất nhiều cách. Đầu tiên nên là tìm hiểu kiến thức liên quan, sau đó có thể tham gia các khóa học về phân tích. Hay như trải nghiệm thực tế trong các dự án là đặc biệt hữu ích. Nếu có thể ghi chép lại những kinh nghiệm tích lũy được thì có lẽ kiến thức đó sẽ gắn bó lâu dài hơn. Không biết mình sẽ mở ra đọc lại được bao nhiêu lần, nhưng tổng hợp lại kiến thức đã có được đã là một lần học lại rất có hiệu quả, nên hãy cố gắng ghi chép lại nhé.

5. Đặt câu hỏi

Đặt câu hỏi, giúp bạn hiểu hệ thống, giảm rủi ro trong quá trình kiểm thử. Như đặt câu hỏi sẽ giúp bạn tưởng tượng, phân tích các trường hợp có thể xảy ra được tốt hơn, hiểu được tổng quát hệ thống đang hoạt động như nào.

Kỹ năng đặt câu hỏi

 

Việc đặt câu hỏi không chỉ là hỏi, mà còn cần biết cách hỏi. Khi bạn tìm tài liệu về cách đặt câu hỏi, bạn thường nhận được lời khuyên không nên đặt câu hỏi có/ không vì sẽ không nhận được câu trả lời trọn vẹn. Nhưng đối với một Tester, việc biết cách đặt câu hỏi có/ không lại là một lợi thế. Nhất là trong quá trình xác nhận spec. Biết đặt câu hỏi có/ không thì khách hàng cũng dễ trả lời và bạn biết chính xác được rằng bạn và team phát triển có đang hiểu đúng yêu cầu của họ không, nếu không đúng thì họ cũng hiểu cách bạn đang nghĩ và sẽ giải thích cho bạn dễ hiểu. 

6. Chia sẻ kiến thức

If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together – African Proverb

Việc chia sẻ kiến thức cũng vậy. Hỗ trợ nhau sẽ bù đắp được những điểm yếu của nhau. Mình là một người lười chia sẻ mang tính chất seminar, nhưng sẵn sàng chia sẻ bất cứ kiến thức nào mang tính chất định hướng cho người mới, giải đáp thắc mắc hoặc xử lý tình huống trong công việc. Mình biết, đây không phải là kỹ năng tốt của mình. Nhưng tổng quan lại, mình không phải là vũng nước đọng. Ít nhất, kiến thức của mình và các bạn Tester khác trong công ty vẫn được trao đổi qua lại với nhau bằng cách này hay cách khác, miễn sao nó không dừng lại là được.

Tóm lại, kỹ năng mềm hỗ trợ rất nhiều trong công việc, biết được và thành thạo càng nhiều kỹ năng mềm thì công việc của bạn cũng trở lên suôn sẻ hơn. Hãy học và rèn luyện bản thân nhiều hơn cả về kiến thức lẫn kỹ năng, chúng sẽ giúp ích nhiều cho công việc cũng như cuộc sống của bạn đấy nhé 🙂

 

COMMENTS