Mô hình kinh tế Keiretsu – Bản chất của các Tập đoàn kinh tế lớn tại Nhật Bản từ sau Thế chiến II

Mô hình kinh tế Keiretsu – Bản chất của các Tập đoàn kinh tế lớn tại Nhật Bản từ sau Thế chiến II

Khái lược về Hệ thống ngân hàng Nhật Bản
Giới thiệu về kỳ thi BJT – Business Japanese-Proficiency Test

Khi tìm hiểu về Nhật Bản, cụ thể hơn là về lịch sử kinh tế, đã bao giờ bạn từng nghe nói đến các tập đoàn tài phiệt zaibatsu? Thực chất, đây là một từ dùng để chỉ các tập đoàn tư bản khổng lồ đã kiểm soát mọi mặt nền kinh tế Nhật Bản trước Thế chiến II và đã bị giải thể triệt hạ. Tuy nhiên sau đó, từ các “mảnh vỡ của zaibatsu”, một mô hình mới keiretsu được hình thành như một sự thay thế các zaibatsu trước đó. Đặc biệt, trong những năm 70 của thế kỷ XX, khi nền kinh tế Nhật Bản nổi tiếng với tốc độ tăng trưởng thần kỳ, thuật ngữ “keiretsu” được dùng để chỉ các tập đoàn kinh tế lớn tại Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai càng trở nên phổ biến và được rất nhiều giới học giả quan tâm chú ý.

1. Zaibatsu – Tiền thân của Keiretsu

Mô hình kinh tế keiretsu vốn có tiền thân là zaibatsu (財閥) – là các tập đoàn tư bản khổng lồ kiểm soát nền kinh tế Nhật Bản trước chiến tranh thế giới thứ Hai. Xoay quanh về zaibatsu, có rất nhiều quan điểm và đánh giá liên quan đến tập đoàn kinh tế này và cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn xác và đồng nhất giữa các nhà nghiên cứu về khái niệm zaibatsu. Qua việc tổng hợp nhiều tài liệu, có thể tóm gọn zaibatsu trong 4 điểm chính sau:

  • Thứ nhất, zaibatsu là các tập đoàn kinh tế mang tính chất nửa phong kiến, tức là quyền sở hữu, kiểm soát và chi phối chỉ tập trung trong tay một gia đình nào đó, quyền thừa kế không phải để cho những người tài năng trong Tập đoàn lớn, được tuyển lựa qua quá trình hội kiến của nhân viên trong công ty, mà truyền cho các thành viên trong gia đình, những người có cùng huyết thống.
  • Thứ hai, zaibatsu hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau từ khai thác khoáng sản, đóng tàu chế tạo động cơ đốt trong, thép, dệt may, hóa chất, lọc dầu, cho đến dệt may, sản xuất bia, chế biến thực phẩm, bảo hiểm, làm giấy,… trong đó, ngân hàng và công ty thương mại đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
  • Thứ ba, các tập đoàn này luôn kiểm soát và độc quyền một hoặc nhiều lĩnh vực kinh doanh trên thị trường kinh tế. Chẳng hạn, Mitsubishi đã độc quyền trong lĩnh vực vận tải đường thủy trong một thời gian dài trước Thế chiến II.
  • Thứ tư, có quan hệ chặt chẽ với chính phủ: các zaibatsu luôn nhận được sự bảo hộ và hậu thuẫn của chính phủ thông qua các chính sách thuế quan, trợ cấp; mặt khác, zabattsu cũng là công cụ hữu hiệu của chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu chính trị của mình, trong đó có các cuộc chiến tranh xâm lược.

Hầu hết các zaibatsu đều được khởi dựng từ thời kỳ Minh Trị, ở một vài trường hợp đã bắt rễ ngay từ thời Edo như tập đoàn Sumitomo, Mitsui. Cho đến thời điểm cuối thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ II (tức năm 1945), sự áp đảo và sức mạnh kiểm soát nền kinh tế Nhật Bản của 4 zaibatsu lớn nhất (四大財閥, gồm Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Yasuda) và 9 zaibatsu (gồm 4 zaibatsu lớn nhất và 5 zaibatsu: Aikawa – còn gọi là Nissan, Asano, Furukawa, Nakajima, Nomura) được thể hiện qua những con số sau: Trong lĩnh vực tài chính, chỉ riêng 4 zaibatsu lớn đã chiếm tới 50% tổng số vốn, 9 zaibatsu chiếm 53%; trong ngành công nghiệp nặng, 4 zaibatsu lớn chiếm 32%, 9 zaibatsu chiếm 49%; trong toàn bộ lĩnh vực công nghiệp, 4 zaibatsu lớn chiếm 25%, 9 zaibatsu chiếm 35%[1].

Tuy nhiên, trong lúc các zaibatsu đang phát triển với tốc độ hết sức nhanh chóng thì ngày 14/8/1945, Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện trước sức ép từ nhiều phía sau nhiều năm chạy đua chiến tranh. Bại trận trong cuộc chiến tranh này đã trở thành cú đánh mạnh mẽ vào nền kinh tế Nhật Bản, giáng đòn trực tiếp vào các tổ chức kinh tế mà nổi bật nhất là các tập đoàn tài phiệt zaibatsu đã tồn tại lâu đời từ trước đó. Nếu trước Thế chiến II, các zaibatsu đã độc chiếm nền kinh tế Nhật Bản thì nay đã bị phá vỡ và sụp đổ.

Các zaibatsu theo nghĩa trước chiến tranh dường như không còn nữa. Tuy vậy, những chính sách giải thể các zaibatsu lại có tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh. Việc giải thể các zaibatsu không chỉ làm giảm thiểu tình trạng độc quyền về kinh tế mà còn tạo nên môi trường cạnh tranh tự do cho các công ty nhỏ, độc lập, nhờ đó mà hoạt động kinh tế của các công ty Nhật Bản cũng trở nên dân chủ hơn.

Tuy nhiên, mặc dù đã bị phân tách ra thành nhiều công ty nhỏ khác nhau nhưng chỉ một thời gian sau, các zaibatsu đã “hồi sinh” nhanh chóng nhưng những đặc trưng phát triển của nó rất khác so với đặc trưng của zaibatsu trước năm 1945, đó là sự xuất hiện của một mô hình mới: mô hình keiretsu. Có thể nói, khoảng thời gian 7 năm Nhật Bản bị quân Đồng minh chiếm đóng chính là giai đoạn đầu mang tính chuyển giao giữa zaibatsu và keiretsu.

2. Bản chất

Có thể nói, keiretsu là một mô hình tổ chức rất độc đáo của riêng Nhật Bản. Về mặt ngôn ngữ học, keiretsu (系列) có âm Hán – Việt là “hệ liệt”, được dùng để chỉ một hệ thống liên kết có tổ chức và trật tự. Về bản chất, keiretsu chính là những tập đoàn hay tổ hợp các công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực liên kết lại với nhau về các mặt như tài chính, nhân lực, nguyên nhiên liệu, công nghệ, phân phối,… được ra đời tại ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù có khá nhiều nhà kinh tế nghiên cứu về keiretsu nhưng để nói được chính xác Nhật Bản có bao nhiêu keiretsu thì thật sự rất khó. Có nhiều cách phân loại keiretsu, nhưng theo cách phân chia hiện hành thì keiretsu có hai loại: keiretsu hàng ngang (横系列) và keiretsu hàng dọc (縦系列). Keiretsu hàng ngang dùng để chỉ một tập hợp các công ty tập trung quanh một ngân hàng (main bank) và một công ty thương mại (sogo shosha), được liên kết với nhau thông qua việc nắm giữ cổ phần chéo và quan hệ thương mại. Đây là keiretsu được bàn đến nhiều nhất bởi chúng có sức mạnh chi phối rất lớn đến nền kinh tế Nhật Bản và được rất nhiều học giả quan tâm. Sáu keiretsu lớn nhất Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II đến nửa đầu những năm 90 của thế kỷ XX là: Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo, Fuyo, Sanwa, Daiichi. Trong đó, 3 keiretsu đầu có nguồn gốc từ các cựu zaibatsu trước chiến tranh mà phát triển lên, gồm hàng chục công ty hạt nhân tập trung xung quanh một ngân hàng chính (Ngân hàng Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo), một công ty thương mại tổng hợp (Công ty Mitsubishi Shoji, Mitsui Bussan, Sumitomo Shoji), và hầu hết các công ty thành viên của chúng đều sử dụng logo và thương hiệu của tập đoàn. Ba keiretsu còn lại có số thành viên ít hơn, các thành viên cũng không có quan hệ với các cựu zaiabatsu trước chiến tranh, kém liên kết hơn và quan hệ của chúng chủ yếu giới hạn trong quan hệ ngân hàng – khách hàng, song chúng cũng bao gồm một ngân hàng chính (Ngân hàng Fuji, Sanwa, Daiichi – năm 1971 hợp với Nihon Kangyo thành Daiichi Kangyo) và một công ty thương mại tổng hợp (Công ty Marubeni, Nissho Iwai, Ichochu). Chính vì vậy, mặc dù xét về bản chất ngữ nghĩa không được hoàn toàn chính xác, mà người ta hay gọi ba keiretsu đầu là “keiretsu tập trung vào các zaibatsu” (hoặc “keiretsu cũ”), còn ba keiretsu sau là “keiretsu tập trung vào các ngân hàng” (hoặc “keiretsu mới”).

Cấu trúc keiretsu hàng ngang[2]

(Chú ý: Theo nghĩa rộng, hạt nhân của keiretsu hàng ngang là một tổ chức tài chính (bao gồm cả ngân hàng và công ty bảo hiểm) và một công ty thương mại tổng hợp. Tuy nhiên, trong tổ chức tài chính, do ngân hàng có vị thế lớn hơn nên trong nhiều trường hợp, người ta chỉ nói mỗi ngân hàng và công ty bảo hiểm)

Sự khác nhau giữa Zaibatsu và Keiretsu[3]

Nhìn vào sơ đồ trên có thể thấy, điểm khác nhau lớn nhất giữa zaibatsu và keiretsu là quan hệ sở hữu và sự chi phối kiểm soát. Nếu như trong zaibatsu, quan hệ sở hữu và quyền kiểm soát thuộc về một gia đình tài phiệt nào đó, thì trong keiretsu, quan hệ sở hữu chính là tỷ lệ nắm cổ phần chéo giữa các công ty trong nhóm. Do vậy, các công ty luôn chịu sự chi phối và kiểm soát lẫn nhau.

Loại keiretsu thứ hai là keiretsu hàng dọc là tập hợp các công ty, trong đó bao gồm một công ty rất lớn và hàng trăm, hàng nghìn công ty nhỏ phụ thuộc, đặc điểm nổi bật của keiretsu này là tính chuyên môn hóa cao. Một số keiretsu điển hình: Toyota, Matsushita, Nissan, Hitachi, NEC,…

3. Ưu và nhược

Một trong những ưu điểm lớn nhất của keiretsu chính là tính an toàn và ổn định. Do sở hữu cổ phần chéo và chịu ảnh hưởng của một ngân hàng và một công ty thương mại chung nên các công ty trong keiretsu thường có chiến lược kinh doanh giống nhau, phát huy khả năng tương trợ, hợp tác, nhất là khi gặp khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, các công ty thành viên còn chia sẻ với nhau những tiến bộ khoa học công nghệ, những bí quyết kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, cách thức tiếp thị, thâm nhập thị trường,… Thêm nữa, các công ty trong khối keiretsu cũng không bị nguy cơ tranh quyền điều hành hoặc bị đối thủ bên ngoài thôn tính.

Tuy nhiên, nhược điểm của nó chính là tính khép kín, thiếu minh bạch, giảm tính cạnh tranh, tính năng động, đổi mới. Với đặc điểm như vậy, các keiretsu đã trở thành một thành trì, một trở ngại vô hình lớn nhất ngăn chặn sự xâm nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường Nhật Bản suốt nhiều thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không những vậy, nó còn vô tình chia cắt thị trường Nhật Bản thành những mảnh cắt có tính độc lập. Lịch sử đã cho thấy, mô hình này chỉ thích hợp cho Nhật Bản trong thời kỳ cần sự ổn định, sự tập trung mọi nguồn lực để có thể đuổi kịp các nước tư bản phương Tây; còn trong bối cảnh toàn cầu hóa, năng động và hay biến đổi như ngày nay thì mô hình này đã tỏ ra vô cùng cứng nhắc và kém hiệu quả, đây chính là một trong những nguyên nhân chính đưa đến sự phá sản hàng loạt vào những năm 90 của thế kỷ XX. Để thích nghi với bối cảnh kinh tế hiện nay, các keiretsu hàng ngang thường bao gồm trong chúng luôn cả các keiretsu hàng dọc, tạo nên mô hình keiretsu chồng chéo, phức tạp. Chẳng hạn, NEC thuộc Sumitomo keiretsu, các keiretsu hàng dọc lớn như Toyota và Toshiba lại là thành viên của Mitsui keiretsu, hay Nissan keiretsu lại là thành viên của Fuyo keiretsu,…

4. Một số keiretsu tiêu biểu

Dưới đây là 5 keiretsu lớn nhất tại Nhật Bản với cốt lõi là các ngân hàng, công ty thương mại tổng hợp và một số công ty chân rết lớn (Chú ý: Ngoài các công ty chân rết đã nêu dưới đây còn có rất nhiều công ty khác nữa)

※ Mitsubishi Group(三菱グループ)

  • 3 Diamonds Seafood Co.
  • Asahi Glass Co.
  • The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Ltd.
  • Kirin Brewery Co., Ltd.
  • Meiji Yasuda Life Insurance Company
  • Mitsubishi Electric Corporation
  • Mitsubishi Estate Co.
  • Mitsubishi Motors (Automobile manufacturing and sales)
  • Mitsubishi Paper Mills, Ltd.
  • Mitsubishi Plastics, Inc.
  • Mitsubishi Rayon Co., Ltd.
  • Mitsubishi Research Institute, Inc.
  • Mitsubishi Shindoh Co., Ltd.
  • Mitsubishi Steel Mfg. Co., Ltd.
  • Mitsubishi UFJ Trust and Banking Corporation (part of Mitsubishi UFJ Financial Group)
  • Mitsubishi UFJ Securities
  • Nikon Corporation
  • Nippon Oil Corporation
  • NYK Line (Nippon Yusen Kabushiki Kaisha)
  • S. Mitsubishi Construction Co., Ltd.
  • Tokyo Marine & Nichido Fire Insurance Co., Ltd.

※ Mitsui Group (三井グループ)

  • Mitsui & Co.
  • Mitsui Chemicals
  • Mitsui Engineering & Shipbuilding
  • Mitsui Fudosan
  • Mitsui Mining & Smelting Co., Ltd.
  • Mitsui O.S.K. Lines
  • Sumitomo Mitsui Financial Group
  • Sumitomo Mitsui Trust Holdings
  • Toray Industries
  • Toshiba
  • Japan Steel Works
  • Toyota

※ Sumitomo Group  (住友グループ)

  • Sumitomo Chemical Co., Ltd.
  • Sumitomo Heavy Industries, Ltd.
  • Sumitomo Mitsui Banking Corporation
  • Sumitomo Metal Industries, Ltd.
  • Sumitomo Metal Mining Co., Ltd.
  • Sumitomo Corporation
  • Sumitomo Corporation of America
  • The Sumitomo Trust & Banking Co., Ltd.
  • Sumitomo Life Insurance Co.
  • Sumitomo Coal Mining Co., Ltd.
  • The Sumitomo Warehouse Co., Ltd.
  • Sumitomo Electric Industries, Ltd.
  • Mitsui Sumitomo Insurance Co., Ltd.
  • Nippon Sheet Glass Co., Ltd.
  • NEC
  • Sumitomo Realty & Development Co., Ltd.
  • Sumitomo Osaka Cement Co., Ltd.
  • Sumitomo Light Metal Industries, Ltd.
  • Sumitomo Mitsui Construction Co., Ltd.
  • Sumitomo Bakelite Co., Ltd.
  • Sumitomo Forestry Co., Ltd.
  • Sumitomo Rubber Industries, Ltd.

※ Fuyo Group(芙蓉グループ)

  • Canon
  • Hitachi
  • JFE Holdings
  • Kayaba Industry
  • Keikyu
  • Maeda Corporation
  • Marubeni
  • Matsuya
  • Meiji Yasuda Life Insurance
  • Mizuho Corporate Bank
  • Mizuho Trust Bank
  • Nichirei
  • Nippon Suisan Kaisha
  • Nissan
  • Nisshinbo Industries
  • Nisshin Seifun Group
  • NSK Ltd.
  • Oki Electric Industry
  • Palace Hotel, Tokyo
  • Penta-Ocean
  • Ricoh
  • Sapporo Brewery
  • Sompo Japan Insurance
  • Showa Denko
  • Taiheiyo Cement
  • Taisei Corporation
  • TOA Construction Corporation
  • Tobu Railway
  • Yamaha

※ DKB Group hay còn gọi là Dai-Ichi Kangyo Group(第一勧銀グループ)

  • Asahi Mutual Life Insurance
  • The Dai-ichi Mutual Life Insurance Company
  • Daiichi Sankyo
  • Dentsu
  • Fujitsu
  • Hitachi
  • Ishikawajima-Harima Heavy Industries
  • Isuzu
  • ITOCHU
  • JFE Holdings (Kawasaki)
  • Kawasaki Heavy Industries (Kawasaki)
  • Kao
  • K Line (Kawasaki)
  • Kobe Steel (Suzuki)
  • Meiji Seika
  • Mizuho Financial Group
  • Seibu Department Stores
  • Sojitz (Suzuki)
  • Sompo Japan Insurance
  • Taiheiyo Cement
  • Tokyo Dome
  • The Tokyo Electric Power Company
  • Tokyo FM
  • Yokohama Rubber Company

 

Trải qua một thời gian dài, mặc dù đã bị quân Đồng minh hủy diệt nhưng trong bối cảnh thời thế biến đổi, các công ty thuộc zaibatsu cũ đã xuất hiện trở lại từ một đống tro tàn với một sức mạnh hoàn toàn mới. Tuy vậy, những đặc điểm trong cấu trúc quản lý của nó không giống như các zaibatsu trước năm 1945. Các công ty thuộc keiretsu không còn hoàn toàn bị phụ thuộc hay bị định đoạt bởi những nhà tư bản đứng đầu gia tộc, mà đều có thể tham gia vào sự lựa chọn con đường phát triển chung của công ty. Tính chất độc quyền đã bị giảm thiểu đáng kể và hoạt động kinh tế của các công ty thuộc keiretsu cũng trở nên dân chủ hơn. Nói cách khác, mô hình keiretsu ra đời giống như một dạng biến thể của zaibatsu nhằm thích ứng hơn với hoàn cảnh mới.

Trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay, để có thể thích ứng được trong môi trường cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, các nước trên thế giới đều đã hình thành những mô hình kinh tế đặc trưng phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong nước. Những cái tên như mô hình Chaebol của Hàn Quốc, mô hình Jituan Gongsi của Trung Quốc, mô hình Anglo – Sason của Anh, mô hình Continental của Pháp và Đức, hay mô hình Keiretsu của Nhật Bản,… có lẽ đã không còn xa lạ. Còn đối với Việt Nam, một nước đang phát triển và hiện nay vẫn đang tìm cho mình một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, thì việc học hỏi kinh nghiệm và rút ra những bài học thực tế từ các nước đi trước là vô cùng quan trọng. Thông qua việc tìm hiểu về một mô hình kinh tế đặc trưng của Nhật Bản, người viết mong rằng Việt Nam sẽ có những phân tích đánh giá tốt hơn về bối cảnh kinh tế hiện nay để từ đó vạch ra một mô hình phát triển rõ ràng và đúng nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Tất nhiên, nếu chỉ nhìn qua trường hợp Nhật Bản là không thể đủ mà phải xem xét tất cả các mô hình của các nước khác ở châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.

Chú giải

[1] 平井岳哉(2013)『戦後型企業集団の経営史~石油化学・石油からみた三菱の戦後』日本経済評論社、tr.14.

[2] S. Yonekura (1885), The Emergence of the Prototype of Enterprise Group Capitalism, Hitotsubashi Journal of Commerce and Management, tr.63.

[3] S. Yonekura (1885), The Emergence of the Prototype of Enterprise Group Capitalism, Hitotsubashi Journal of Commerce and Management, tr.64.

COMMENTS