Đã khi nào bạn thử hỏi, tại sao cần thời gian thử việc? Và vì sao có mức 85% lương cho tháng thử việc chưa? Tất nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ không cần thử việc, ví dụ như khi bạn là chủ doanh nghiệp chẳng hạn, hoặc khi phía tuyển dụng và ứng viên đã biết quá rõ năng lực của nhau rồi 😀 . Ở đây, ta sẽ nói về vấn đề thử việc nói chung nha.
Vậy trong công việc, vì sao có quy định về thử việc?
Mong muốn giải đáp phần nào câu hỏi trên, mình xin đưa ra một vài ý kiến cá nhân của mình về mục đích của thử việc và những hiểu biết liên quan.
Có thể ví von, thời gian thử việc cũng giống như giai đoạn tìm hiểu trong tình yêu vậy, ta đâu cứ thế yêu, đâu cưới ngay lần gặp đầu tiên. Ta cũng có thể bỏ qua thời gian tìm hiểu khi ta đã là bạn thanh mai trúc mã, là bạn từ nhiều năm về trước. Để đi đến quyết định gắn bó lâu dài, mà cũng cần cho nhau thời gian tìm hiểu, càng hiểu, càng hợp thì gắn bó càng lâu. Qua niềm vui, nỗi buồn, qua sóng gió cuộc sống thì mới biết, mới hiểu được nhau.
Mục đích của thời gian thử việc
Quay trở lại vấn đề thử việc, theo quan điểm cá nhân của mình thì, mục đích đầu tiên khi Pháp luật qui định thời gian thử việc hẳn là để đảm bảo công bằng và quyền lợi cho cả hai phía tuyển dụng và ứng viên. Về phía Nhà tuyển dụng, mục đích thời gian thử việc là thử ứng viên về:
- Năng lực thực tế
- Kỹ năng làm việc, xử lý tình huống
- Mức độ chuyên nghiệp, trách nhiệm với công việc
- Phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không
- Năng lực có phù hợp với mức lương không
Vậy đối với ứng viên thì sao? Liệu phía ứng viên sẽ muốn thử điều gì khi mới vào một công ty, một môi trường mới? Có lẽ khi sang môi trường mới cũng là lúc ứng viên thử thách chính mình:
- Thử vị trí mới, công việc mới
- Thử năng lực bản thân
- Thử tìm hiểu môi trường mới xem mình có phù hợp với công ty đó hay không
Thực sự công ty không phải chỉ là nơi làm việc, ta không đến chỉ để cắm đầu vào máy tính đến hết ngày rồi về. Ta không đến chỉ vì mục đích công việc, mưu sinh. Công ty cũng là môi trường sống, ở đó ta hít thở không khí, giao tiếp, kết nối bạn bè, tạo dựng vị trí, sự nghiệp. Trong công việc hay trong bất cứ mối quan hệ nào đi nữa ta cố gắng phấn đấu thể hiện năng lực. Và hẳn đó là nơi mình mong muốn được đến mỗi ngày, một nơi khiến ta yêu thương, gắn bó, chứ sao ta chịu đựng được thứ không khí ngột ngạt hay buồn tẻ. Vậy nên phía ứng viên cũng cần thời gian thử việc.
Thời gian thử việc có giới hạn, giới hạn đủ để hai bên hiểu nhau, đưa ra quyết định và không quá dài đến mức phía ứng viên cảm thấy bị lợi dụng, bị chèn ép.
Qui định về thời gian thử việc
Thời gian thử việc được qui định trong Điều 27, Luật Lao Động, cụ thể theo qui định chỉ thử việc 01 lần và thời gian tối đa được qui định như sau:
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Kết thúc thời gian thử việc, trong điều 29, Luật Lao Động qui định:
- Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
- Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.
Vậy đấy, đã là Luật thì mọi thứ rõ ràng, quyền lợi, nghĩa vụ đôi bên đều được qui định cụ thể. Nếu thấy không phù hợp thì có thể dừng bất cứ khi nào.
Vì sao có mức 85% lương cho tháng thử việc?
Vì qui định pháp luật như thế. Đó là câu trả lời đơn giản nhất, nhưng hẳn là mức 85% là có cái lý của nó. Đối với cả phía nhà tuyển dụng và ứng viên, thời gian thử việc ứng viên cần làm quen công việc, qui trình, văn hóa công ty. Thời gian này, năng suất thực tế của ứng viên chưa đạt kỳ vọng nên tất nhiên ứng viên cũng chưa thể nhận 100% lương như mong đợi được. Phía công ty, ngoài việc năng suất lao động, công ty còn cần bỏ chi phí cho việc đưa người kèm cặp, hướng dẫn, nên thực tế, chi phí của công ty không chỉ dừng ở 85% chi trả cho người thử việc.
Vậy đấy, có những thứ tưởng chừng như hiển nhiên, nhưng hẳn là có cái lý của nó.
COMMENTS