Làm sao để biến việc chạy bộ thành 1 thói quen?

Làm sao để biến việc chạy bộ thành 1 thói quen?

Ứng dụng Excel trong việc tính giá trị tiền theo thời gian
[Google sheets Tips] Giới hạn quyền truy cập và chỉnh sửa dữ liệu – Phần 1
Giảm thời gian viết tay nhờ sử dụng giấy in dán nhãn (label sheet)

Năm mới tới rồi, chắc hẳn ai cũng có dự định riêng của mình trong năm 2019 này. Nhưng dù là gì đi chăng nữa thì sức khỏe cũng luôn là ưu tiên số 1, vì không có sức khỏe là không có gì. Sức khỏe ổn định, đảm bảo cũng là nền tảng cần thiết để nâng cao hiệu suất công việc. Gần đây thì phong trào chạy bộ đang lên cao, nhiều công ty còn có hẳn Running Club trong nội bộ công ty. Có thể liệt kê dưới đây một số ưu điểm của việc chạy bộ so với các môn khác như là

  • Dễ thực hiện: chỉ việc đầu tư 1 đôi giày vừa tầm tiền (Bitis Hunter chẳng hạn ~ 500K), áo phông quần đùi có sẵn là có thể “xách giày lên và chạy”. Vào bất kỳ thời gian nào, dù là buổi sáng hay tối, mùa Đông hay mùa Hè thì bạn đều có thể chạy được. Và cũng chỉ cần khoảng 30′ là đủ cho 1 lần vận động. Cũng không cần phải hẹn đội bạn như các môn đối kháng: bóng đá, cầu lông…
  • Dễ đo lường: chỉ cần cầm theo smartphone hoặc có smart band / smart watch khi chạy là bạn có thể đo được quãng đường, nhịp tim, vận tốc, thời gian chạy của bản thân. Từ đó có thể thấy ngay điểm đã cải thiện được và điểm cần cải thiện. Điều này tạo cảm hứng rất lớn cho người chạy.
  • Phù hợp cho cả nam và nữ: Ví dụ như bóng đá thì hầu như chỉ con trai tham gia. Đối với chạy bộ, con gái càng chạy thì dáng càng thon gọn.
  • Tốt cho dân văn phòng, IT: đặc điểm của các bạn ngành này là ngồi nhiều, chủ yếu trong phòng kín. Vậy nên các môn yêu cầu phải ngồi như gym hoặc di chuyển trong không gian hẹp như billiard, bóng bàn có vẻ không phù hợp lắm.

Chạy bộ tốt là như vậy, nhưng để duy trì việc chạy bộ đều đặn không phải là dễ dàng. Nhất là với các bạn như mình, từ xưa tới nay không mấy khi tập thể dục. Đôi khi chạy mấy buổi đầu rồi lại ngại mệt, dừng luôn. Có mấy kinh nghiệm các bạn có thể tham khảo để đưa việc chạy bộ trở thành thói quen thường xuyên:

  • Chạy cùng mọi người: thay vì âm thầm chạy 1 mình thì hãy chạy cùng những người khác. Có thể là rủ bạn bè hoặc người yêu cùng chạy chẳng hạn. Chạy cùng người khác sẽ làm bạn có động lực hơn thông qua việc động viên và ganh đua lẫn nhau. Nếu không có người chạy cùng, bạn có thể tham gia các mạng xã hội cho thể thao như Strava / Runtastic để lập club, chạy ảo cùng bạn bè. Nhiều hôm lười không muốn chạy, vào Strava thấy anh em bạn bè tối hôm trước với sáng hôm nay chạy vù vù thì tự dưng lại thấy có động lực ngay!

Có người khác cùng chạy thì sẽ so sánh được năng lực của mình

  • Đo quãng đường chạy: bạn sẽ có động lực chạy lớn hơn nếu bạn cảm thấy mình tiến bộ thêm mỗi ngày. Để làm điều đó thì trước hết cần biết mình đang ở mức nào. Hãy sử dụng smartphone hoặc smart watch khi chạy để đo thông số, sau đó cố gắng ngày hôm sau duy trì hoặc cải thiện kết quả của ngày hôm nay.
  • Đặt mục tiêu chạy: hãy đặt mục tiêu chạy theo 1 mốc thời gian cụ thể, có thể là theo tuần chẳng hạn. Mục tiêu không nên quá xa tới mức không thể với tới được, mà nên đủ gần để chỉ cần cố gắng 1 chút là đạt được thì sẽ có động lực hơn. Ví dụ khả năng của bạn là 1 ngày 5km, 1 tuần thường chạy 3 buổi thì đặt mục tiêu là 5km x 4 buổi chạy = 20km 1 tuần là thích hợp. Bạn nên thường xuyên nhìn vào mục tiêu, từ đó sẽ thấy có cảm giác muốn hoàn thành mục tiêu đó hơn.
  • Sử dụng smart band hoặc smart watch: những thiết bị này tối thiểu đều có chức năng nhắc nhở bạn vận động đủ số phút 1 ngày. Giá thành cũng không phải là quá đắt (tầm 600K là có Mi Band 3 rồi), lại có thể đo được quãng đường di chuyển nên rất tiện cho việc tập thể thao, đỡ phải cầm cả điện thoại đi chạy. Khuyến khích bạn nên mua 1 cái.
  • Đặt timebox cho việc chạy hàng ngày: với lượt chạy hàng ngày, thay vì đặt mục tiêu theo quãng đường thì bạn nên đặt mục tiêu theo thời gian. Ví dụ: tự đặt ra chạy 30′ 1 ngày chẳng hạn. Hết 30′ thì dừng, không chạy thêm nữa. Điều này có 2 lợi ích:
    • Không làm buổi chạy bị kéo dài gây ảnh hưởng tới công việc khác, qua đó làm bạn dễ sắp xếp buổi chạy hơn vì biết chắc chắn là nó chỉ kéo dài 30′.
    • Khuyến khích bạn cải thiện vận tốc chạy, thay vì kéo dài thời gian chạy để đạt được cùng 1 số km. Buổi chạy vì vậy sẽ có hiệu quả cao hơn.

Mục tiêu chạy theo tuần trên Strava

Kết

Có sức khỏe làm vốn thì bạn sẽ có cơ hội thực hiện bất kỳ điều gì bạn muốn. Nhưng số vốn ấy không phải là vô tận mà cần bổ sung, làm giàu liên tục. Hồi còn trẻ, sức khỏe còn dồi dào, ít bệnh tật thì bạn có thể không mấy quan tâm. Nhưng qua ngưỡng 25 tuổi, khi cơ thể bắt đầu ngừng phát triển bạn sẽ cảm nhận rõ hơn tình hình sức khỏe không còn như ngày xưa. Hãy cố gắng xách giày lên và chạy để rèn luyện vốn quý ấy nhé.

COMMENTS