Tôi làm trong mảng IT outsourcing với thị trường Nhật cũng hơn 5 năm, tính cả thời gian sinh viên ở Nhật thì có duyên với nước Nhật cũng gần 7 năm. Ngẫm lại từ cái thời mông muội mặc vest nhưng đeo balo tới gặp khách hàng của vài năm trước, tới việc lần gần đây nhất sang Nhật vào mùa đông, mặc vest nhưng không có áo khoác ngoài mà vừa đi vừa run, thấy mình vẫn hơi chủ quan trong cách ăn mặc của mình. Dựa trên bài học sau mỗi chuyến đi, đồng thời nghiên cứu thêm về business maner của Nhật, tôi tạm thời đúc kết ra mấy điểm cần chú ý về trang phục, phụ kiện đi kèm khi đi sale ở thị trường Nhật.
1. Chuẩn bị tâm lý thay đổi
Nếu bạn vốn thích phong cách chỉn chu, sơ mi cổ cồn, đóng thùng thì chúc mừng bạn, bạn sẽ dễ dàng tiếp cận với trang phục business của Nhật. Nếu bạn là người thích áo phông không cổ, lưng đeo balo; mùa đông thì thích mặc áo jacket leo núi (giống tác giả) thì bạn nên xác định việc thay đổi cách ăn mặc của bản thân là cần thiết, ít nhất là đối với những công ty truyền thống.
2. Trang phục cơ bản
2.1 Vest
- Màu sắc giản dị, chất vải tốt không dễ nhăn nhúm
- Nên chọn loại cơ bản nhất, không nên chọn loại cách điệu, thời trang quá tránh cảm giác “đa cấp”
- Áo vest có loại 2 cúc hoặc 1 cúc, nhưng tốt nhất là chọn loại phổ thông nhất là loại 3 cúc (có thể cài 2 cúc trên và hở cúc dưới)
- Chiều dài tay áo, ống quần không dài quá và ngắn quá (nếu là loại may đo thì không có vấn đề này, nhưng nếu mua sẵn thì nên chú ý)
2.2 Áo sơ mi
- Loại áo không dễ nhăn, tốt nhất là mua loại ironless, mặc vào người thì tự phẳng cho không mất công ủi
- Màu sắc, hoạ tiết: màu trắng, xanh nhẹ, kẻ sọc caro hoặc kẻ sọc đứng đường kẻ mỏng đều được.
2.3 Cà vạt
- Cà vạt mỏng sẽ dẫn tới nhanh dãn, nhão
- Nên chọn loại vải lớn, có lõi cứng
- Màu sắc giản dị không hoạ tiết hoặc kẻ sọc, phù hợp với màu áo vest
- Tránh các loại hoạ tiết hình gấu, kitty…
2.4 Giầy
- Ở Nhật đường xá sạch sẽ nên không mấy khi cần phải đánh bóng, bôi xi cho giầy
- Nên có ít nhất 2 đôi phòng trường hợp trời mưa bị ướt giầy, hoặc thay đổi theo ngày cho da của giầy có thời gian nghỉ ngơi
- Thông thường một ngày phải cuốc bộ khoảng 5-10km, do vậy nên đầu tư tiền cho đôi giầy xịn, đi êm chân
2.5 Cặp xách
- Tránh đeo balo tới công ty khách hàng
- Nên chọn loại cặp xách tay, size A4
3. Trang phục theo mùa
3.1 Mùa hè
Mùa hè mặc vest mà đi lại nhiều thì khá nóng, tới công ty khách hàng mà mồ hôi đầm đìa thì cũng làm hình ảnh xấu đi rất nhiều. Do vậy, nên chọn loại vest có chất vải mỏng, thoáng và nhẹ. Cá nhân tôi thì mùa hè thì không mặc vest luôn, mặc áo sơ mi cho nhẹ nhàng và mát mẻ. Có một lưu ý nho nhỏ là nên mặc thêm áo lót mỏng để khỏi lộ đầu ti và thấm mồ hôi.
3.2 Mùa đông
Mùa đông lạnh, chỉ mặc vest không thường sẽ không đủ ấm và hay bị lạnh cổ. Những ngày lạnh 0 độ, thì nên có một chiếc áo khoác (loại chuyên để mặc ngoài áo vest) và một chiếc khăn một màu, giản dị. Khi tới công ty khách hàng thì có thể vắt áo khoác trên tay, hoặc một số công ty sẽ có luôn mắc treo áo dành cho khách.
4. Các điểm chú ý khác
- Điện thoại có kết nối internet: Mỗi chuyến công tác ngắn hạn thì một ngày gặp 3-4 cuốc khách là chuyện không phải hiếm. Khi đó, thời gian di chuyển cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Việc lạc đường, nhỡ tàu hoàn toàn có thể làm bạn không kịp cuộc hẹn tiếp theo. Do đó, khi xuống sân bay thì bạn có thể thuê Wifi Hotspot hoặc mua sim data, việc có một chiếc điện thoại kết nối internet sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm đường, tìm tàu tới địa điểm tiếp theo.
- Ngoài sử dụng Google Maps, tôi thường sử dụng thêm ứng dụng Norikae của Yahoo. Ứng dụng này cung cấp đầy đủ hơn Google Maps các thông tin: đi line nào, cửa ra số bao nhiêu, tuyến nào đang bị delay…
- Đồng hồ: Bình thường thì tôi chả mấy khi dùng tới đồng hồ, vì không làm việc với máy tính thì lại ôm điện thoại. Tuy nhiên, trong cuộc hẹn với khách hàng mà lại cần căn giờ để còn lượn đi cuốc khác thì việc bỏ điện thoại ra xem giờ quả là một hành động thất lễ.
- Xem dự báo thời tiết: Dự báo thời tiết ở Nhật khá là chính xác (theo từng giờ), việc xem dự báo thời tiết và mang theo ô khi trời mưa sẽ giúp bạn tiết kiệm được 500 yên khi phải tạt té vào cửa hàng tiện lợi gần nhất để mua thêm cái ô khác cho giải pháp tình thế.
5. Mặc tuỳ theo phong cách của công ty khách hàng
Cá nhân tôi thì nghĩ rằng, việc đáp ứng các maner cần thiết về business khi làm việc với Nhật Bản, thì việc tạo cảm giác gần gũi, thân thiện với khách hàng cũng rất quan trọng. Do vậy mà tuỳ theo đặc thù của công ty đối tác hay tuỳ vào hoàn cảnh, mà ta cũng có thể có trang phục cho phù hợp.
- Công ty start-up mà khách hàng mặt quần đùi, đi dép lào thì thay vì việc mặc vest, đi giầy đen sẽ đem lại cảm giác xa lạ. Với trường hợp như thế này, thì mặc quần ngố bò, đi giày thể thao, đeo balo thì tôi thấy cũng không vấn đề gì cả.
- Đi ăn tối với khách hàng quen thuộc thì cũng có thể mang những trang phục casual, không cần câu nệ, cầu kỳ tiểu tiết.
- Với công ty truyền thống, lâu đời ở Nhật thì tôi nghĩ là ăn mặc chuẩn chỉnh, chỉn chu là tốt nhất. Cá nhân tôi chưa có cơ hội tiếp cận với các khách hàng kiểu này nên cũng chưa thật sự có trải nghiệm.
6. Kết luận
Từ trước tới nay, thì tôi cũng hơi ỷ lại vào lý do mình là người nước ngoài, nên đối tác chắc có thể tặc lưỡi cho qua. Tuy vậy, nhập gia tuỳ tục, nên việc tìm hiểu văn hoá kinh doanh của đối tác là điều cần thiết. Trong một số bài viết sắp tới, có thể tôi sẽ chia sẻ chi tiết hơn về một số manner khác trong kinh doanh ở Nhật như: văn hoá vào thang máy, vị trí ngồi khi lên taxi hay vị trí ngồi khi vào phòng họp…