So với cách đây 10 năm, thì việc phổ cập internet càng giúp con người tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều nguồn tri thức nhưng cũng đòi hỏi chúng ta mất nhiều trí lực hơn trong việc sàng lọc thông tin và bị phân tán tư tưởng hơn trong việc học tập của mình. Đã bao giờ bạn tự hỏi nên học thế nào cho đúng, cho hiệu quả hay có bao giờ bạn quan tâm tới phương pháp học của mình. Trong một lần hữu duyên, vô tình tôi biết tới “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần. Một quyển sách theo tôi có thể gọi là khai trí, giúp người đọc có các khái niệm cơ bản về học, phương pháp học và làm việc hiệu quả.
Học để làm gì? Tại sao phải học?
Do ảnh hưởng quan niệm việc học để làm quan, học để đổi đời, để vẻ vang với thiên hạ; mà không ít chúng ta tìm đến việc học như phương tiện phục vụ những mục đích không phải khao khát việc truy cầu kiến thức. Cũng như không ít bạn trẻ học và chọn trường theo mong muốn của bố mẹ, gia đình mà không phải mong ước của bản thân. Cũng không ít các bạn vào đại học xong thì coi như đạt được cái mục tiêu cố gắng mười hai năm học, để thả phanh chơi bời và trượt dốc. Và khi chúng ta bước ra khỏi trường học để bước vào trường đời khắc nghiệt, việc học lẽ ra càng phải được coi trọng và cần thiết hơn thì chúng ta có xu hướng ì trệ, dễ thoả mãn với những gì mình đang có. Tôi rất thích cách tác giả định nghĩa “hạnh phúc”. “Hạnh phúc là được làm chủ hành động ta, tư tưởng ta, tình cảm ta… và mỗi ngày mỗi làm cho con người của ta thêm sáng suốt hơn, thêm tự do hơn, thêm to rộng hơn…nghĩa là thêm mới mẻ hơn”. Do vậy, mục đích của sự học là “Học để mưu hạnh phúc, nghĩa là để làm cho mình càng ngày càng mới, càng ngày càng cao, càng ngày càng rộng…Học, là tăng gia sự hiểu biết của mình, là mở rộng tâm hồn của mình bằng cách thu nhận sự hiểu biết cùng những kinh nghiệm của kẻ khác làm của mình”.
Trong cuốn sách này, tác giả đề cập tới những yếu tố chính trong việc học, những điều kiện thuận lợi cho sự tự học và các phương tiện chính yếu của việc học. Trong các phương tiện chính yếu của việc học, thì đọc sách chính là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất, rút ngắn lại con đường kinh nghiệm của nhân loại, để đào tạo cho mình một cơ sở học vấn vững vàng. Ở bài viết này tôi cũng không tóm tắt toàn bộ nội dung cuốn sách và chỉ đề cập tới phần mà tạm thời tôi thấy là có ích với bản thân tôi nhất: đọc sách như thế nào và đọc những sách nào? Trong cuốn sách, tác giả cũng khuyến khích không nên đọc những sách toát yếu, sách do người khác tóm tắt lại mà nên đọc sách nguyên bản. Do vậy, cũng mong các bạn không vì bài review này của tôi mà bỏ qua, không đọc cuốn sách này. Phần thú vị nhất của cuốn sách xin để các bạn tự khám phá và cảm nhận.
Đọc sách như thế nào?
Sách thì nhiều mà thời gian mỗi người lại có hạn, không thể dành cả đời để đọc tất cả các sách vở trên thế gian, do vậy trong sự đọc sách thì lựa chọn sách để đọc là hết sức cần thiết.
- Chỉ đọc những tác phẩm hay. Một cuốn sách hay là cuốn sách mà càng đọc đi đọc lại chừng nào, càng thấy nó rộng rãi, sâu xa chừng nấy. Nên loại trừ những sách dài lê thê, những sách buồn ngủ và những sách khó hiểu.
- Cần đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình. “Làm bạn thì nên làm bạn với những kẻ cao hơn mình về tài đức, đọc sách nên đọc những quyển sách cao hơn trình độ tư tưởng của mình thì mới mong tiến bộ mau trên con đường trí thức.”.
- Đọc sách hay, cần đọc nguyên văn – “Câu nguyên văn, ta có thể ví như mặt biển rộng thênh thang, còn câu văn dịch không khác chi mặt nước ao tù”. Tuy nhiên, muốn đọc được nguyên văn thì việc có vốn ngoại ngữ tương đối là hết sức cần thiết.
Đã bao giờ bạn vừa đọc sách, vừa ăn vừa nói chuyện hoặc đang đọc sách mà bỏ dở vì có người rủ đi chơi? Người đọc sách nên có thái độ thế nào với người đọc sách?
- Nên đọc sách trong không khí yên lặng và cô tịch, có thể dành một buổi chiều cuối tuần để đọc những tác phẩm hay nhất.
- Đối với bất cứ sách nào, phải dành cho nó một tấm lòng thiện cảm để hiểu được hoàn cảnh, tâm huyết mà điều tác giả muốn nói, tránh cái nhìn thiên kiến và ác ý.
- Đọc sách cần đồng hoá và phản đối lại nó, không nên sách viết gì tin đấy mà thiếu óc phân tích và phản biện. Có thể đóng ba vai khi đọc sách. Đầu tiên nhập vai vào chính tác giả để hiểu điều tác giả muốn nói, rồi lại nhập vai vào người có tư tưởng đối lập với tác giả mà ra sức phản biện lại điều tác giả nói, rồi lại nhập vai vào luật sư để bảo vệ các quan điểm của tác giả.
Với các thái độ như trên, người đọc sách nên đọc sách thế nào?
- Đọc sách cần đặt cho mình trước một vấn đề hay một câu hỏi để tìm kiếm, săn đuổi. Đọc trước bản mục lục, lời tựa để có khái niệm chung của quyển sách, rồi tìm coi tác giả sẽ giải quyết hoặc đặt vấn đề ấy như thế nào, có đồng hoặc bất đồng với ý kiến của ta chăng.
- Đọc sách cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, chẳng phải để cho dễ nhớ, mà là bởi có nhiều thứ sách rất hàm súc: nếu chỉ đọc qua một bận, không tài nào hiểu nó được hết.
- Viết lại những gì mình đã đọc. Tôi cố gắng viết bài review về cuốn sách này, tuy chưa nắm được toàn bộ nội dung nhưng cũng nhờ qua đó mà nắm được chút lông da của cuốn sách.
Một cách cụ thể, nên đọc những sách nào? (Theo quan điểm tác giả)
Nếu tiếp tục tóm tắt nội dung của phần này, thì bài review sẽ trở nên rất dài và tôi e rằng sẽ làm nản lòng người đọc. Do vậy, tôi chỉ nêu ra các thể loại sách mà tác giả đưa ra, còn tại sao lại là những thể loại sách này, các bạn vui lòng tìm đọc trong cuốn sách nhé.
- Đọc tiểu thuyết tâm lý
- Đọc sử
- Đọc những sách về thiên văn, địa lý
Một vài nguyên tắc làm việc
Ở phần cuối cuốn sách, tác giả đưa ra một số nguyên tắc làm việc mà tôi thấy rất tâm đắc, nhưng không dễ dàng thực hiện. Đặc biệt trong thời đại công nghệ hiện nay, smartphone hay internet luôn tràn ngập cám dỗ khiến chúng ta trì hoãn và tìm được lý do lười biếng. Xin trích lại 8 nguyên tắc làm việc mà tác giả nêu ra trong cuốn sách.
- Nguyên tắc thứ nhất là đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin ở sự thành công.
- Nguyên tắc thứ hai để làm việc có hiệu quả là phải làm việc đều đều, không nên để gián đoạn.
- Nguyên tắc thứ ba là bất cứ học môn nào phải khời đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy.
- Nguyên tắc thứ tư: Biết lựa chọn
- Nguyên tắc thứ năm là phải biết quý thời giờ làm việc của ta và đặt cho nó thành một kỷ luật.
- Nguyên tắc thứ sáu là biết dùng thời giờ làm việc và tiết kiệm từng phút một.
- Nguyyên tắc thứ bảy là hễ làm việc gì thì hãy làm cho hoàn tất, đừng phải trở lại một lần thứ hai.
- Nguyên tắc thứ tám là muốn làm việc cho hiệu quả thì phải có một sức khoẻ dồi dào.
Kết luận
Sách không quá dày, nhưng nội dung mà tác giả đề cập trong cuốn sách khá nén, riêng cá nhân tôi đọc tới lần thứ tư mà vẫn thấy sách hay, nội dung bao la và không dễ gì hiểu hết, nhưng mỗi lần đọc lại thấy hiểu thêm một chút, cũng như thấy động lực tràn trề (hi vọng là gấp cuốn sách lại thì động lực không mất). Cuốn sách này có thể coi như một cuốn sách hướng dẫn cơ bản về cách lựa sách để đọc, cách đọc sách nói riêng và phương pháp học tập nói chung. Tuy nhiên, tác giả là một người nghiên cứu văn hoá nên nhiều nội dung trong cuốn sách có thể coi là hơi khắt khe và khó đạt được đối với những người không làm văn hoá (ví dụ với người làm kinh tế như tôi). Mong các bạn tìm được trong đó những nội dung phù hợp nhất, để áp dụng với bản thân.
Cuốn “Tôi tự học” này có thể coi là quyển sách đầu tiên nên đọc dành cho những ai muốn tiếp cận những tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Có một điểm đáng tiếc là tác giả sống vào thời tiếng Pháp thịnh hành, hầu hết những quyển sách mà tác giả giới thiệu trong “Tôi tự học” hầu hết là sách tiếng Pháp nên khó khăn cho việc tham khảo và tìm đọc.